Đoàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Thứ Bảy, 24/05/2025, 14:20 [GMT+7]
    Ngày 24/5, tại tại Nhà tang lễ Quốc gia, thủ đô Hà Nội, Lễ viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương được cử hành trong không khí trang nghiêm, xúc động. 
 
Đoàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Đoàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
    Đoàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương do đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách  tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và chia buồn cùng gia quyến. Tham gia Đoàn viếng có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách  tư pháp Trung ương cùng một số Ủy viên Ban Chỉ đạo.
 
    Trong 10 năm, trên cương vị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tham gia hoạch định nhiều chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, có việc trực tiếp chỉ đạo công tác cải cách tư pháp - một cấu phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại dấu ấn sâu đậm về một nhà lãnh đạo hội tụ tư duy, tầm nhìn chiến lược và phong cách lãnh đạo thẳng thắn, quyết đoán.
 
Đoàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Đoàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
    “Riêng đối với cải cách tư pháp đề ra tương đối chậm, nhưng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có nghị quyết quan trọng và toàn quốc đang có một chương trình tổ chức thực hiện. Tôi sẽ dành nhiều sự quan tâm đối với cải cách tư pháp vì nền tư pháp của chúng ta mà không xây dựng theo hướng là công minh, phục vụ nhân dân, chống oan sai thì không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân” - Đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn về những vấn đề ưu tiên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, sau khi được Quốc hội bầu tiếp tục giữ trọng trách Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2002-2006.
 
    Trong 2 nhiệm kỳ giữ trọng trách Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Chỉ đạo đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Ban Chỉ đạo cũng đã tổ chức triển khai thực hiện 2 nghị quyết này với tinh thần quyết liệt, với trọng tâm là cải cách hoạt động xét xử của tòa án, từng bước đưa việc tranh tụng trong xét xử vào nền nếp, tránh được những vụ án oan sai gây bức xúc dư luận ở thời điểm bấy giờ.
 
    Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn tin tưởng sâu sắc vào tương lai đất nước và quyết tâm “phải làm hết sức mình, tập trung trí tuệ để chấn hưng đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh như mong muốn của Bác Hồ”. Nhìn lại hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước từ năm 1997-2006, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển nổi bật của đất nước ta trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.
 
    Tiễn biệt đồng chí Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Lương Cường ghi sổ tang: “Đồng chí Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, tấm gương sáng về sự tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Sự ra đi của Đồng chí là một mất mát to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chúng tôi sẽ mãi ghi nhớ những đóng góp to lớn của Đồng chí. Dù đã đi xa, nhưng những giá trị tốt đẹp mà Đồng chí để lại sẽ mãi mãi là nguồn động viên các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh và văn minh”.
                                                                                             P.V
.