Thanh Hóa: Quyết liệt chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng nhằm phát triển kinh tế - xã hội
Thứ Sáu, 19/03/2021, 06:40 [GMT+7]
Ngày 11/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã ký ban hành quyết định về việc ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) năm 2021 tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu của THTK, CLP (sau đây gọi tắt là THTK, CLP) năm 2021 là thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần tạo nguồn lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Các yêu cầu của THTK, CLP
THTK, CLP phải gắn với các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
THTK, CLP phải bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; đồng thời phải xác định THTK, CLP là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị với các mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP và kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và phải được thực hiện đồng bộ, toàn diện, gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực.
Một góc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Internet |
THTK, CLP phải bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, gắn với việc đánh giá, kiểm tra theo quy định.
THTK, CLP phải gắn với các hoạt động phòng chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
THTK, CLP phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi với sự tham gia của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Về nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP năm 2021 là yếu tố quan trọng nhằm tạo nguồn lực góp phần khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội để khôi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân quyết nghị góp phần đảm bảo GRDP năm 2021 đạt 11% trở lên, trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 3,0% trở lên, công nghiệp - xây dựng tăng 13,3% trở lên, dịch vụ tăng 10,7% trở lên, thuế sản phẩm tăng 9,8% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 2.820 USD trở lên; sản lượng lương thực giữ mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 140.000 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 26.572 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 36%.
Tăng cường quản lý thu; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ chi NSNN. Tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN theo hướng hiệu quả, bền vững; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh. Công khai, minh bạch và thực hiện triệt để tiết kiệm ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ theo mức độ cấp thiết; chỉ ban hành mới chính sách, đề án, nhiệm vụ khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán cho các chính sách chưa ban hành.
CLP trong thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 để góp phần CLP, thất thoát, tham nhũng, phát huy nguồn lực nhằm tái tạo tài sản và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu rủi ro tài khóa. CLP trong mua sắm tài sản công thông qua việc triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung; mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Tập trung đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để sử dụng hiệu quả chi thường xuyên của NSNN, góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Các cấp, các ngành tích cực tập trung và xây dựng các chương trình hành động, chương trình trọng tâm, kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá, các quy hoạch, đề án, cơ chế chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về tiết kiệm, CLP năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Một số mục tiêu cụ thể
Thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán NSNN năm 2021 để tạo nguồn cải cách tiền lương, đẩy mạnh khoán chi hành chính.
Tiếp tục thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Thực hiện kế hoạch tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 ban hành tại Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 09/4/2019, đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.
Thực hiện giảm chi hỗ trợ từ NSNN gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm thêm tối thiểu 5% so với dự toán năm 2020 chi hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản); dành NSNN chi sự nghiệp cho khu vực miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về khoán xe công, tổ chức sắp xếp, xử lý xe ô tô đảm bảo tiêu chuẩn, định mức theo đúng Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định về định mức sử dụng xe ô tô và đảm bảo theo đúng mục tiêu của Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.
Tiếp tục tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng đất. Thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định.
Thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, phải đăng ký và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý (từ 5% trở lên so với kế hoạch), trong đó, tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng.
Mạnh Hùng
(Báo Thanh tra)