Iraq: Tịch thu tài sản của cựu bộ trưởng tham nhũng

Thứ Bảy, 19/08/2023, 06:17 [GMT+7]
    Cơ quan tư pháp Iraq đã quyết định tịch thu tài sản của cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ihsan Abdul-Jabbar Ismail. Quyết định này được đưa ra sau khi một tòa án điều tra cáo buộc ông Ismail lạm dụng chức vụ và nhận hối lộ từ một số nhà đầu tư có hợp đồng với Bộ Dầu mỏ, Thông tấn xã Iraq (INA) đưa tin.
 
    Ông Ismail giữ chức Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ vào năm 2020 trong Chính phủ của cựu Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi.
 
    Trước đó, ông là Tổng Giám đốc của Công ty Dầu mỏ Basra thuộc sở hữu nhà nước.
 
    Các phương tiện truyền thông đưa tin, vào đầu năm nay, Cơ quan Tư pháp Iraq đã xem xét các cáo buộc chống lại ông Ismail, bao gồm việc chiếm giữ và bán trái phép các khu đất thuộc sở hữu của Bộ Dầu mỏ tại Baghdad và thành phố Basra ở miền Nam Iraq.
 
Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul-Jabbar Ismail. Ảnh: Kurdistan24
Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul-Jabbar Ismail. Ảnh: Kurdistan24
    Ngoài ra, ông Ismail cũng bị cáo buộc đã yêu cầu những khoản thanh toán từ các công ty nước ngoài để đổi lấy việc thắng thầu những hợp đồng béo bở, bao gồm dự án hiện đại hóa xử lý khí tại mỏ Tây Qurna-2.
 
    Hồi tháng 9 năm ngoái, Tòa án Điều tra Al-Karkh ở Baghdad (cơ quan chuyên trách về các trường hợp liên quan đến liêm chính) cho biết, đang xem xét các vụ án tham nhũng mà Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul-Jabbar Ismail là nhân vật trung tâm.
 
    Tổng số vụ việc chống lại Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq tại Ủy ban Liêm chính vào thời điểm đó đã lên tới 29 vụ án hình sự, tất cả đều được chuyển đến cơ quan tư pháp Iraq.
 
    Tại Iraq, quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ, nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu thô, chiếm hơn 90% doanh thu của đất nước. Từ năm 2009, Iraq đã cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí...
Thế nhưng, tình hình kinh tế, xã hội của Iraq luôn trong tình trạng khủng hoảng, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn.
 
    Đặc biệt, khó khăn về ngân sách cũng như những bất cập trong vấn đề quản lý hiện nay khiến Iraq phải đối mặt nhiều thách thức ở phía trước.
 
    Đáng chú ý, trong bối cảnh nạn tham nhũng tràn lan, bất động sản trở thành cách phổ biến để rửa tiền, bao gồm tiền rút ruột ngân sách.
 
    Theo đánh giá chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), năm 2022, Iraq chỉ đạt 23 điểm (trên thang điểm 100), đứng thứ 157 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, thuộc nhóm những quốc gia tham nhũng nhất thế giới.
 
    Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani đã nhiều lần khẳng định quyết tâm chống tham nhũng.
 
    Tại Hội nghị Đối thoại Baghdad hồi đầu năm nay, ông Al Sudani nhấn mạnh, “sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự thụt lùi hoặc thất bại nào có thể dẫn đến việc bòn rút tiền của người dân vì lợi ích cá nhân hoặc đảng phái. Tài sản quốc gia là của tất cả người dân Iraq”.
 
    Ông mô tả cuộc chiến chống tham nhũng là “trận chiến lớn nhất” và cảnh báo rằng, nếu “bỏ bê nó, chúng ta sẽ thua những trận chiến khác”.
Theo Báo Thanh tra
.