Zambia: 39 cảnh sát bị truy tố tham nhũng

Thứ Sáu, 15/02/2019, 12:15 [GMT+7]
    Báo Zambia Reports ngày 13-02 đưa tin, Quyền Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Tư pháp Given Lubinda trong cuộc họp Quốc hội vừa qua đã cung cấp thông tin: Từ tháng 01-2015 đến tháng 8-2018, có 39 cán bộ sỹ quan cảnh sát bị truy tố vì tham nhũng.
 
    Ông Lubinda cho biết, Chính phủ Zambia đã nắm được đánh giá Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). TI đánh giá các Sở Cảnh sát của Zambia là một trong những cơ quan nhà nước tham nhũng nhất ở Zambia.
 
    Trả lời chất vấn tại Quốc hội, ông Lubinda cho biết có 11 sỹ quan cảnh sát bị kết án năm 2015; 8 người năm 2016 và 11 người trong năm 2017 đến tháng 8-2018.
 
    “Tổng cộng, 30 sỹ quan cảnh sát đã bị kết án, 5 người được tha bổng và 4 người đang trong quá trình tòa án xét xử", ông Lubinda nói.
 
    Khi được hỏi, liệu mức độ tham nhũng cao trong ngành Cảnh sát có phải là kết quả của mức lương thấp so với các ngành an ninh khác không?, ông Lubinda cho biết, mức thù lao thấp không liên quan đến tham nhũng, vì có những sỹ quan có mức lương cao hơn vẫn có hành vi tham nhũng.
 
    Ông cũng nhấn mạnh, Bộ Nội Vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Zambia Police đã đọc báo cáo về CPI của TI và rất thất vọng. Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp để hạn chế tham nhũng trong ngành Cảnh sát. Trong đó bao gồm việc thành lập các ủy ban liêm chính chịu trách nhiệm thúc đẩy hành vi đạo đức và tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ công.
 
    “Các ủy ban liêm chính triển khai các chương trình chống tham nhũng trong khối dịch vụ công và cộng đồng. Tại các Sở cảnh sát có các chương trình thảo luận hàng tuần về đạo đức và hành vi đạo đức nhằm hạn chế tham nhũng và thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ; đưa vào hệ thống thanh toán ghi nợ trực tiếp, nơi nhũng người phạm tội phải trả tiền phạt và lệ phí thông qua các ngân hàng để ngăn chặn việc cảnh sát xử lý các khoản thanh toán bằng tiền mặt, vì điều này sẽ thúc đẩy sự minh bạch và giảm thiểu tham nhũng, xây dựng niềm tin của công chúng đối với ngành Cảnh sát; đưa vào việc luân chuyển thường xuyên các sỹ quan giữa các bộ phận để tránh việc các sỹ quan ở lại một nơi và một vị trí, trở nên quá quen thuộc với hệ thống với cùng nhiệm vụ và với một số thành viên cộng đồng; bãi bỏ việc gia tăng các cuộc tuần tra giao thông không chính đáng, kiểm tra các điểm và rào chắn trên các phần đường đã được camera giám sát tốc độ bao phủ; các cán bộ giám sát, thanh tra không hoàn thành việc cáo buộc các đồng nghiệp của mình trong vòng 48 giờ kể từ khi một người phạm tội sẽ bị buộc tội sơ suất trong thi hành nhiệm vụ và có thể bị đuổi khỏi ngành...", ông Lubinda nói.
                                                                             Ngọc Anh
                                                                         (Báo Thanh tra)
.