Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: Triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát tại tỉnh Thái Bình

Thứ Ba, 15/08/2017, 15:23 [GMT+7]

Sáng 15-8-2017, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng Đoàn đã triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Thái Bình.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Phó trưởng Đoàn và các đồng chí thành viên Đoàn công tác số 2.

Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 2 phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 2 phát biểu tại Hội nghị

Làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các cơ quan thuộc khối nội chính tỉnh, các đảng bộ trực thuộc và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Đoàn công tác đã thông báo Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW và Quyết định số 65-QĐ/BCĐTW ngày 25-4-2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thành lập 08 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình.

Theo kế hoạch, Đoàn công tác số 2 sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát tại Thái Bình từ ngày 15-8 đến ngày 01-9-2017 đối với các cơ quan: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Bình, Huyện ủy Tiền Hải, Thành ủy Thành phố Thái Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

Hội nghị đã nghe báo cáo tự kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Các thành viên Đoàn kiểm tra, giám sát và đại biểu thảo luận, thống nhất một số nội dung, phương pháp và kế hoạch kiểm tra, giám sát.

Đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 2 ghi nhận, đánh giá cao Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã triển khai nghiêm túc, đầy đủ, trách nhiệm Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; Báo cáo tự kiểm tra, giám sát phản ánh đầy đủ các nội dung theo yêu cầu.

Đồng chí Trưởng Đoàn công tác nhấn mạnh mục đích của đợt kiểm tra, giám sát: (1) Thông qua kiểm tra, giám sát để nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; trọng tâm là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; ngăn chặn đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; từ đó chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo. (2) Công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Đồng chí lưu ý: 1) Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần rà soát, xác định rõ những lĩnh vực dễ xẩy ra sai phạm, tham nhũng tại địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát hiện và xử lý nghiêm; đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác tự kiểm tra nội bộ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng; kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống liên quan đến “lợi ích nhóm”, tiêu cực, tham nhũng. 2) Tập trung làm rõ những sơ hở, thiếu sót, sai phạm, vi phạm các quy định trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư công, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. 3) Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, truy tố, điều tra, xét xử thời gian qua, cần nghiêm túc đánh giá kết quả phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tội phạm tham nhũng đã tương xứng với tình hình thực tế tại tỉnh Thái Bình chưa. Có hay không hiện tượng tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tỉnh khi thực hiện công vụ và đề xuất các giải pháp phòng ngừa. Đoàn công tác trong quá trình kiểm tra, giám sát, cần nắm tình hình, rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, kịp thời kiến nghị chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót và củng cố, kiện toàn các cơ quan trên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. 4) Báo cáo kết quả và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc phát sinh từ thực hiện các dự án đầu tư, thu hồi đất đai, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. 5) Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất những giải pháp thiết thực, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng ở Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí cũng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, phối hợp tốt với Đoàn công tác để hoạt động kiểm tra, giám sát đạt kết quả cao nhất.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình, đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trưởng Đoàn và phát biểu đóng góp của thành viên Đoàn công tác; yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh tập trung hoàn thiện báo cáo và phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Tạ Anh Hưng

;
.