An Giang tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Sáu, 15/09/2017, 15:27 [GMT+7]

Trước tình trạng khiếu nại, tố cáo (KNTC) tồn đọng, phức tạp, kéo dài, phát sinh khiếu kiện đông người, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết các vụ KNTC tồn đọng, phức tạp trên địa bàn (Ban Chỉ đạo), bước đầu đã giải quyết dứt điểm một số vụ việc, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh - trật tự, giảm số người khiếu nại vượt cấp.

Ban Chỉ đạo gồm 15 đồng chí, trong đó 6 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; hai Phó trưởng Ban và các thành viên là đại diện lãnh đạo một số ban đảng và đơn vị cấp tỉnh. Từng thành viên đều được phân công rõ nhiệm vụ và trách nhiệm, lên kế hoạch cụ thể giải quyết các vụ việc.

Các cơ quan, ban, ngành tỉnh An Giang tiếp công dân
Các cơ quan, ban, ngành tỉnh An Giang tiếp công dân

Tính đến tháng 5-2016, toàn tỉnh An Giang có hàng trăm vụ KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài, phát sinh khiếu kiện đông người, gây bức xúc cho nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự, an toàn xã hội. Ban Chỉ đạo xác định cần tập trung giải quyết KNTC một cách dứt điểm và có trọng tâm, trọng điểm.

Vụ việc tranh chấp đất đai trong dòng họ giữa công dân Huỳnh Thị Lền ở phường Mỹ Long, TP Long Xuyên (được bố đẻ ủy quyền) và 10 hộ dân ở xã Phước Hưng, huyện An Phú là một trong những vụ được Ban Chỉ đạo tập trung giải quyết. Đây là một trong những vụ việc tranh chấp đất đai hết sức phức tạp và kéo dài nhiều năm. Đã qua nhiều cấp có thẩm quyền giải quyết, ra quyết định, nhưng cả hai bên đều chưa đồng ý và tiếp tục có đơn kiện lên cấp cao hơn. Để giải quyết dứt điểm vụ việc, Ban Chỉ đạo đã cử Tổ giúp việc nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, đồng thời phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Huyện ủy, UBND huyện An Phú tổ chức vận động, thuyết phục các bên. Sau rất nhiều lần tổ chức gặp gỡ, thuyết phục trên cơ sở có lý có tình, cuối cùng, bà Lền đã chấp thuận kết quả đo đạc ngày 2-3-2017 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh An Giang. Bà Lền cam kết dừng việc khiếu kiện đòi đất của 10 hộ dân. Hơn thế, bà Lền không có ý kiến về phần diện tích đất tăng thêm của các hộ này trong thời gian qua. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo UBND tỉnh giao UBND huyện An Phú hướng dẫn, thông báo cho bà Huỳnh Thị Lền cùng 10 hộ dân liên hệ cơ quan chức năng lập thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc phức tạp được Ban Chỉ đạo giải quyết ổn thỏa, dứt điểm trong thời gian qua. Theo Trưởng phòng Theo dõi giải quyết KNTC, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Tổ phó Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Trần Bửu Thọ, thực hiện phương châm giải quyết dứt điểm tại chỗ, giải quyết xong việc chứ không giải quyết hết thẩm quyền, đến nay, Ban Chỉ đạo đã cho chủ trương giải quyết 27 vụ việc, thống nhất giao UBND tỉnh ban hành 42 văn bản thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại; ban hành 6 quyết định giải quyết khiếu nại được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Qua xem xét kỹ hoàn cảnh từng đối tượng, tỉnh vận dụng chính sách an sinh xã hội hỗ trợ nhà, đất, cấp, bán nền nhà, hỗ trợ cây trồng, di dời mồ mả đối với 12 hộ cam kết chấm dứt khiếu nại; tổ chức đối thoại, trực tiếp xem xét giải quyết 14 trường hợp; thuyết phục được một số người dân chấp hành quyết định giải quyết KNTC.

Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Hồ Việt Hiệp cho biết, qua tiếp nhận, nghiên cứu, điều tra, phân loại, Ban Chỉ đạo đã sàng lọc, xác định được 77 người đứng đơn trong tổng số 99 đơn KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài là do chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung; công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, tái định cư còn lỏng lẻo, việc vận dụng pháp luật của chính quyền đôi khi thiếu linh hoạt, chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người đi khiếu nại. Bên cạnh đó, một số công dân chưa nhận thức đúng, bị lôi kéo xúi giục, kích động đòi quyền lợi và gây rối trật tự công cộng.

Kết quả bước đầu của việc xử lý các vụ KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài ở An Giang thời gian qua đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần “hạ nhiệt” tình hình KNTC của người dân, làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Bằng giải pháp tuyên truyền, vận động, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 24 vụ việc được người khiếu nại rút đơn và sáu vụ việc được hòa giải thành công. Qua giải quyết KNTC, Thanh tra tỉnh An Giang đã khôi phục quyền lợi 750 m2 đất và gần 77 triệu đồng cho công dân; thu hồi hơn một tỷ đồng và 555,5 m2 đất cho Nhà nước, kiến nghị xử lý, kiểm điểm trách nhiệm một tổ chức, tám cá nhân, chuyển cơ quan điều tra một trường hợp.

Đồng chí Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, công tác giải quyết KNTC tồn đọng, phức tạp trên địa bàn thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm. Nguyên nhân là do một số ngành chức năng, địa phương chưa tập trung, chuyên sâu để làm tốt công tác giải quyết KNTC từ cơ sở, dẫn đến khiếu nại kéo dài phát sinh mới. 6 tháng đầu năm, qua tiến hành 15 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc chấp hành và thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, Luật khiếu nại, tố cáo tại 16 đơn vị, Thanh tra tỉnh kiến nghị kiểm điểm một tập thể và 10 cá nhân mắc các thiếu sót: phân loại và xử lý đơn chưa chính xác, không ban hành quyết định phân công, không thông báo thụ lý đơn thư; sổ tiếp dân thường xuyên, tiếp dân do lãnh đạo tiếp không ghi chép đầy đủ; vi phạm thời hạn giải quyết đơn thư KNTC,…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết KNTC, không để phát sinh KNTC kéo dài, vượt cấp, Tỉnh ủy An Giang chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC; Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, cấp ủy các cấp của tỉnh An Giang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn. Lấy hiệu quả của việc tiếp công dân và giải quyết KNTC làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

(Báo Nhân Dân)

;
.