Nợ xấu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và mô hình xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay

Thứ Tư, 15/10/2014, 11:13 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 14-10, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Nợ xấu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và mô hình xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay”. TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo.
Đại biểu thuộc Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng Quân đội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học kinh tế… tham dự Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
Nợ xấu và xử lý nợ xấu luôn là mối quan tâm lớn của các quốc gia trên thế giới. Khi khối lượng nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế nói chung và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng nói riêng. Ở Việt Nam, quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc xử lý nợ xấu còn nhiều rủi ro, nếu không có những giải pháp xử lý thích hợp thì gây ra nhiều hậu quả đáng quan ngại. Năm 2013, Chính phủ đã thành lập Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) nhằm xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế. Qua một thời gian hoạt động, công ty bước đầu đã có những kết quả tích cực nhưng hiệu quả hoạt động chưa rõ, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình hoàn thiện hơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trình bày, trao đổi về các vấn đề: những vấn đề lý luận chung về nợ xấu; nợ xấu của ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội; mô hình xử lý nợ xấu và những bất cập trong mô hình xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số nước và một số đề xuất, giải pháp hoàn thiện mô hình xử lý nợ xấu hiện nay. Từ đó, đề xuất rà soát, phân loại các loại nợ xấu; hoàn thiện cơ chế, nhất là cơ chế đặc thù cho công ty về giải quyết nợ xấu; sử dụng các công cụ mua bán nợ hiệu quả để kịp thời ngăn chặn các tiêu cực phát sinh, góp phần hoàn thiện mô hình xử lý nợ xấu, từng bước giảm thiểu rủi ro, phấn đấu đến năm 2015 Việt Nam có hệ thống ngân hàng lành mạnh, hoạt động hiệu quả.
Những nghiên cứu, phân tích trình bày tại Hội thảo sẽ cung cấp cho các đại biểu Quốc hội có thêm những thông tin quan trọng để đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề xử lý nợ xấu tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Phương Thảo
;
.