Tập trung chỉ đạo, đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng

Thứ Năm, 12/06/2014, 15:01 [GMT+7]
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Thanh tra Chính phủ nhận được 35 kiến nghị của cử tri, trong đó có đến 24/35 kiến nghị của cử tri tập trung vào các vấn đề có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, như: Đề nghị có biện pháp phát hiện sớm các vụ án tham nhũng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thất thoát tài sản của Nhà nước; kiên quyết hơn trong chỉ đạo nhằm xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; có giải pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi tham ô, tham nhũng tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu bộ, ngành liên quan đối với việc quản lý, sử dụng vốn kém hiệu quả, đầu tư ngoài ngành gây thất thoát vốn Nhà nước; xử lý nghiêm minh và công khai việc xử lý các hành vi tham nhũng để nhân dân biết, giám sát; thực hiện tốt hơn, mạnh hơn công tác phòng, chống tham nhũng để đảm bảo tính răn đe; cần tập trung phòng, chống tham nhũng vào những ngành có nguy cơ tiêu cực cao; có chính sách bảo vệ, khen thưởng động viên người tố cáo… 
Thanh tra Chính phủ họp giao ban công tác tháng 5-2014
Thanh tra Chính phủ họp giao ban công tác tháng 5-2014
Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ đã trả lời bằng văn bản 35/35 kiến nghị của cử tri đến các Đoàn Đại biểu Quốc hội theo quy định (đạt 100%), đã tiếp thu và giải quyết 32/35 kiến nghị của cử tri (đạt 91,4%).
Cụ thể, trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng (PCTN), đối với các kiến nghị có nội dung liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng tham nhũng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cho biết: 
Thực tế trong thời gian qua, đối với việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng thường áp dụng Điểm a, Điểm b, khoản 4, Điều 55 Luật phòng, chống tham nhũng, vì việc áp dụng phải dựa trên cơ sở sự việc khách quan thông qua tài liệu, chứng cứ được thu thập, đánh giá theo đúng trình tự thủ tục tố tụng, bảo đảm đúng người đúng việc, đúng tội. Quan điểm của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sai đến đâu xử lý đến đó bất kể đó là ai, giữ chức vụ gì. Khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức đơn vị thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. 
Trước các kiến nghị liên quan đến nội dung: Một số cán bộ tham nhũng mà báo chí nêu nhưng chưa được giải quyết, hoặc đã giải quyết nhưng chưa công khai cho nhân dân biết, nhân dân thiếu thông tin, đề nghị nên giải quyết công khai, minh bạch; việc xử lý cán bộ tham nhũng chưa nghiêm, còn giơ cao đánh khẽ, kết quả xử lý không công khai..., Thanh tra Chính phủ khẳng định, trong thời gian qua có một số vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà báo chí nêu, được dư luận đặc biệt quan tâm đã và đang được các cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt để đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất, một số vụ đã được xét xử với mức hình phạt cao nhất là tử hình, được dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ: Vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê Tài chính II, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc công ty ALCII) và Đặng Văn Hai (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH xây dựng và thương mại Quang Vinh) tử hình về tội tham ô tài sản. Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tòa án nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (cựu Tổng Giám đốc Vinalines) tử hình về tội tham ô tài sản… 
Chính phủ đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai theo quy định của pháp luật đối với kết luận thanh tra, kết quả điều tra vụ án tham nhũng, kết quả xét xử, thi hành án các vụ tham nhũng… để người dân được biết, theo dõi, tham gia thực hiện tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Việc khởi tố, điều tra và kết quả xét xử các vụ án tham nhũng đã được các cơ quan báo chí đưa tin phản ánh công khai để mọi người dân biết, theo dõi. 
Đối với Thanh tra Chính phủ đã thực hiện công khai trong hoạt động thanh tra, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng hình thức tổ chức họp báo hàng quý, công khai kết luận thanh tra trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ. 
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới triệt tiêu các loại vi phạm về tham nhũng, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ, các cấp các ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, trọng tâm là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Hoàn thiện thể chế về PCTN. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. 
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát. 
Mặt khác, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng. Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ, xử lý công chức, viên chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực; giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; khuyến khích sự tham gia của nhân dân đối với công tác PCTN bằng cách tăng cường hiệu quả của các cơ chế khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo tham nhũng; tiếp tục mở rộng các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế về PCTN nhằm tiếp thu những kinh nghiệm tốt và phù hợp của thế giới để nâng cao hiệu quả công tác PCTN...
                                                                                   Vũ Tiến Dũng
                                                                                      (TTXVN)
;
.