Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)

Thứ Sáu, 06/06/2014, 10:03 [GMT+7]
(BNCTW) - Sáng ngày 05-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) đã được VKSNDTC chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, các nội dung cơ bản thể hiện được các định hướng của Đảng và thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến tổ chức và hoạt động VKSND. Các đại biểu đã tập trung phát biểu vào các vấn đề cơ bản sau:
Hầu hết các ý kiến không đồng tình hoặc băn khoăn về việc thành lập VKSND khu vực và nhất trí giữ nguyên mô hình VKS cấp huyện như hiện nay. Các ý kiến này cho rằng phần lớn các hoạt động của VKS gắn liền với hoạt động của Cơ quan điều tra (trong khi Cơ quan điều tra vẫn được tổ chức theo đơn vị hành chính), mô hình tổ chức VKS cấp hiện nay vẫn đang phát huy hiệu, việc thành lập VKS khu vực không những gây tốn kém mà còn gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm tính đồng bộ với Cơ quan điều tra và Cơ quan Thi hành án… 
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc thành lập VKS khu vực chính là khâu đột phá trong cải cách tư pháp; làm tiền đề cho sự đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử đối với VKS; bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, tăng cường tính độc lập của VKSND trong thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tránh dài trải, bình quân, lãng phí.
Các đại biểu tán thành với việc Dự thảo Luật tiếp tục quy định Ủy ban kiểm sát. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi thẩm quyền của Ủy ban kiểm sát, đặc biệt là mối quan hệ giữa Ủy ban kiểm sát và Viện trưởng VKS. Một số ý kiến cho rằng Ủy ban kiểm sát chỉ nên giữ vai trò “tư vấn” cho Viện trưởng Viện kiểm sát về các vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của VKSND, trong giải quyết các vụ án. Ý kiến khác lại cho rằng nên mở rộng thẩm quyền của Ủy ban kiểm sát hơn so với quy định trong Dự thảo Luật, cụ thể Ủy ban kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát các cơ quan trực thuộc VKSND, các kiểm sát viên (kiểm sát nội bộ).
Về Cơ quan điều tra của VKSNDTC, đa số ý kiến đồng tình với việc tiếp tục quy định tổ chức Cơ quan này để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và Cơ quan này cũng chỉ điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội thuộc các cơ quan tư pháp. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng Cơ quan điều tra của VKSNDTC nên có thẩm quyền điều tra các trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội hoặc oan sai mà Cơ quan điều tra không tiến hành hoặc tiến hành không có kết quả.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về việc VKS có thẩm quyền trực tiếp tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Ý kiến đồng ý cho rằng quy định này là cần thiết, phát sinh từ yêu cầu thực tiễn của hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS. Ý kiến phản đối cho rằng việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm không thuộc chức năng, nhiệm vụ của VKS mà thuộc Cơ quan điều tra, giao cho VKS thẩm quyền này sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS.
Có hai loại ý kiến khác nhau về ngạch kiểm sát viên, loại ý kiến thứ nhất đồng tình với phương án có 04 ngạch KSV và loại ý kiến thứ hai cho rằng nên giữ như hiện nay chỉ có 03 ngạch KSV. Về nhiệm kỳ của KSV, nhiều ý kiến đồng tình KSV VKSNDTC có nhiệm kỳ không kỳ hạn, các KSV khác có nhiệm kỳ đầu là 05 năm và 10 năm cho các nhiệm kỳ tiếp theo.
Đa số các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật không nên quy định tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC (65 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ), bởi có thể gây nên tiền lệ là các luật chuyên ngành sẽ quy định tuổi nghỉ hưu theo đặc thù của từng ngành và làm mất đi hiệu lực của Bộ luật Lao động. Do vậy, tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC cần giao cho Chính phủ hướng dẫn theo quy định của Bộ luật Lao động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc phiên thảo luận, trong đó, đề nghị Ban Soạn thảo Dự án Luật cần tiếp thu đầy đủ, chặt chẽ các ý kiến phát biểu để hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời, nghiên cứu và làm rõ mô hình VKSND sơ thẩm, thẩm quyền Cơ quan điều tra của VKSNDTC và một số quy định về Kiểm sát viên để trình dự thảo Luật tại kỳ họp Quốc hội lần tới đây.  
Hà Thanh
;
.