Nam Định: Tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2024
Thứ Sáu, 03/01/2025, 15:11 [GMT+7]
Sáng 03/01/2025, đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương dự Hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2024; triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025 tỉnh Nam Định.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các cơ quan nội chính, bí thư thành ủy, huyện ủy tỉnh Nam Định.
Các đại biểu dự Hội nghị |
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát, toàn diện của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn diện công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp, hoàn thành các nội dung theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra. Công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới biển được giữ vững; công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội được đẩy mạnh; không để xảy ra tội phạm có tổ chức hoạt động gây bức xúc dư luận xã hội.
Đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu |
Hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, toàn tỉnh triển khai 376 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 2.041 cơ quan, đơn vị, cá nhân; các cơ quan hành chính của tỉnh tiếp nhận 4.461 đơn; có 73 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp; đã giải quyết xong 41/47 vụ việc khiếu nại và 25/26 vụ việc tố cáo; đã giải quyết 1.164/1.280 vụ việc kiến nghị, phản ánh. Ban Nội chính Tỉnh ủy Nam Định tiếp nhận 789 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 618 đơn do Thường trực Tỉnh ủy giao tham mưu, xử lý; 131 đơn được gửi trực tiếp, 40 đơn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý mới 1.891 nguồn tin về tội phạm, ban hành 1.795 yêu cầu kiểm tra xác minh trên tổng số 1.795 tin đã giải quyết; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự 1.353 vụ/2.336 bị can; xác định 174 vụ án hình sự trọng điểm, áp dụng thủ tục rút gọn đối với 04 vụ/07 bị can; truy tố 1.210 vụ/2.078 bị can, đình chỉ 07 vụ/09 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm 1.425 vụ/2.517 bị cáo; phúc thẩm 84 vụ/130 bị cáo…
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu |
Tòa án nhân dân hai cấp đã giải quyết, xét xử 5.277/6.191 vụ việc; trong đó, giải quyết, xét xử theo trình tự sơ thẩm 4.949/5.277 vụ việc; giải quyết, xét xử theo trình tự phúc thẩm 328/419 vụ việc.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật các nội dung trọng tâm theo hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh. Sở Tư pháp biên soạn, cấp phát miễn phí cho 09 huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn 6.000 cuốn Bản tin Tư pháp; 240 cuốn Tập đề cương giới thiệu Luật; đăng tải 08 bộ tài liệu tìm hiểu pháp luật trên Trang thông tin điện tử; tổ chức 12 Hội nghị trực tiếp, trực tuyến tập huấn cho hơn 5.000 lượt báo cáo viên pháp luật, đội ngũ làm công tác pháp chế, hòa giải viên, tuyên truyền viên cơ sở…
Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực của 02 Ban Chỉ đạo phối hợp với các cơ quan nội chính tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh theo dõi, nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh…
Đồng chí Hoàng Nguyên Dự, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nam Định trình bày Báo cáo tại Hội nghị |
Các ý kiến phát biểu tham luận tại Hội nghị tập trung làm rõ những kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận và chúc mừng tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong năm 2024, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo, tại Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh năm 2024 để nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn của địa phương, đó là:
(1) Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu triển khai quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội; xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên. Trước hết là, hoàn thành việc rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí và có cơ chế, chính sách đột phá giải quyết dứt điểm; tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý một số vụ, việc về lãng phí dư luận quan tâm, bức xúc để cảnh tỉnh, răn đe, với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; rà soát đưa một số vụ, việc vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm; rà soát, nhận diện đầy đủ những quy định của pháp luật là “điểm nghẽn”, “nút thắt” để sửa đổi, bổ sung, sớm đưa các nguồn lực xã hội đang bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược trong những năm tới đó là: Đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
(2) Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức tốt Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; tuyệt đối không được có các hành vi “chạy chọt”, lợi ích nhóm, lợi dụng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; các cơ quan chức năng cần chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn, cán bộ lãnh đạo các cấp có nhiều thông tin dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;
(3) Điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, nhất là các vụ, việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm từ sớm, từ xa; nếu phát hiện có sai phạm thì phải kiên quyết xử lý theo nguyên tắc “có sai phạm thì phải kết luận, xử lý”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không để cán bộ có sai phạm hạ cánh an toàn”; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, chi bộ, dưới sự giám sát của Nhân dân;
(4) Đưa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thấm vào từng chi bộ, từng đảng viên; kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hình thành trong cán bộ, đảng viên ý thức, trách nhiệm làm việc trong sáng, làm người trong sạch và thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân. Xử lý dứt điểm “căn bệnh” sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong công việc; nghiêm cấm việc lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để sách nhiễu, trục lợi.
(5) Phê phán sự ngụy biện cho rằng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, cán bộ sợ sai, không dám làm, tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp, “hiệp đồng tác chiến” giữa các cơ quan nội chính; chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ; quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý dứt điểm, thấu lý đạt tình những kiến nghị, phản ánh, tố cáo của Nhân dân;
(6) Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương. Đồng thời, tăng cường các biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thật sự bản lĩnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; “Chắc - Sắc - Đắc” (Pháp luật chắc - Nghiệp vụ sắc - Đắc nhân tâm)…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Nam Định cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp của Ban Nội chính Trung ương; giao Ban Nội chính Tỉnh ủy ghi nhận ý kiến phát biểu của đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương để hoàn thiện báo cáo, đưa vào chương trình, kế hoạch triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025 của tỉnh Nam Định.
Đặng Phước