Xây dựng văn hóa liêm chính, không cần tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức
Thứ Tư, 28/04/2021, 05:35 [GMT+7]
Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Từ Hội nghị Trung ương 3 (Khóa X) đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, trong đó đã đề ra mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”; và “xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này trong công tác PCTN, đối với đội ngũ cán bộ, công chức là đi từ chỗ “Không thể” tham nhũng đến “Không dám” tham nhũng và đến “Không cần” tham nhũng. Khi cán bộ, công chức không cần tham nhũng, đó là mục tiêu của văn hóa liêm chính.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Vì vậy, thực trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay được thể hiện ở một số nội dung sau đây:
Một là, có tham nhũng nhỏ, vặt vãnh được thực hiện thông qua việc sách nhiễu, cố ý gây phiền hà cho người dân, biến việc đơn giản thành phức tạp, lợi dụng những quy định rườm rà, hình thức của thủ tục hành chính để dây dưa, trì hoãn giải quyết các việc hành chính - dân sự với mục đích buộc người dân phải mất tiền hoặc thứ khác có giá trị nếu muốn được việc.
Hai là, tham nhũng lớn hơn thường gắn với việc làm, vị trí công tác, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Chức vụ cao, vị trí cao thì mức độ tham nhũng lớn. Tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm là khó phát hiện nhất vì có trung gian, môi giới, hình thành quy định ngầm: mọi việc đều được định giá bởi đồng tiền, có thể tạm ứng trước, thu hồi sau, rốt cuộc tham nhũng đẻ ra tham nhũng.
Ba là, tham nhũng rất lớn, hình thành sự đan xen, phối hợp giữa các cá nhân có cùng mục đích phi pháp tạo nhóm lợi ích, thao túng tổ chức, thể chế, chính sách và những người có trọng trách, những người có chức vụ, quyền hạn có thẩm quyền quyết định. Loại tham nhũng này thường gắn với đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các hợp đồng kinh tế lớn trong đấu giá đất đai, tài chính - ngân hàng, xuất khẩu, nhập khẩu, xây dựng khu công nghiệp, đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, du lịch.
Thực tế qua các vụ việc tham nhũng xảy ra vừa qua có thể thấy hiện nay hành vi tham nhũng không chỉ hoành hành ở lĩnh vực kinh tế mà còn len lõi vào cả các cơ quan bảo vệ pháp luật, ở cả những lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như: y tế, giáo dục, thực hiện chính sách xã hội, từ thiện nhân đạo... Như thực tế xảy ra những vụ việc tham nhũng khi mua máy móc, thiết bị, vật tư y tế để phòng chống dịch Covid-19 vừa qua. Tham nhũng đã mang tính phổ biến. Đại hội XII của Đảng đã nhận định “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”.
Nguyên nhân dẫn đến trình trạng tham nhũng ở Việt Nam, gồm cả mặt khách quan và chủ quan. Nói tới chủ quan thì vấn đề ý thức chính trị, đạo đức, lối sống của con người là quan trọng. Thông thường, khi được giao trọng trách nào đó, người cán bộ, đảng viên được lựa chọn phải đáp ứng được những phẩm chất cần thiết. Khi thực hiện hành vi tham nhũng chính là các phần xấu trong con người đã lấn át phần tốt, biến họ trở thành con người khác. Đó là kết quả của sự tha hóa ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, là sự suy thoái về tư tưởng mà Đảng xác định là biểu hiện của “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Quá trình này diễn ra bên trong nên khó nhận biết ngay. Đối với nhiều kẻ tham nhũng, quá trình tha hóa bắt đầu từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có thể khẳng định suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng. Do đó, việc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống sẽ góp phần giảm thiểu, ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Từ việc đánh giá thực trạng nêu trên và thực tiễn qua những vụ việc tham nhũng xảy ra gần đây, chúng ta có thể thấy, việc tham nhũng không phải do điều kiện vật chất như “đói ăn vụng, túng làm liều”, nhiều người có điều kiện vật chất vô cùng tốt, nhiều tài sản có thể nói là ăn nhiều đời không hết nhưng họ vẫn tham nhũng. Đó là do lòng tham, là chủ nghĩa cá nhân, là suy thoái về tư tưởng.
Tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII), Đảng đã nhận định: “Trong Đảng có một bộ phận giảm sút về ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi vào con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng. Tệ nạn tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi, phung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài”.
Các Đại hội VIII, IX, X, XI của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định tình trạng suy thoái là nghiêm trọng. Đại hội XII của Đảng khẳng định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước.
Ngay từ Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, Đảng ta đã đề cập tới vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị: “Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng”.
Có thể thấy mức độ và tác hại của suy thoái tư tưởng chính trị như sau:
Một là, phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ, dao động, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoài nghi về năng lực lãnh đạo của Đảng, khả năng quản lý điều hành của Nhà nước đối với sự nghiệp đổi mới. Điều đáng lo ngại là ở số lượng không nhỏ cán bộ, đảng viên mắc phải và không dễ ngăn chặn và đẩy lùi.
Hai là, một số cán bộ, đảng viên đương chức có vai trò trong công tác nghiên cứu, tham mưu và thực tiễn ở các ngành, địa phương chưa thực sự thống nhất trên một số vấn đề cơ bản về quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đã trở thành nhân tố khiến nhiều nghị quyết của Đảng chậm được đưa vào cuộc sống và hiệu quả thấp.
Ba là, không ít cán bộ, đảng viên, kể cả đương chức hay đã nghỉ hưu, tuy vẫn trung thành với Đảng, với chế độ, song lại thiếu bản lĩnh, thụ động, không dám đấu tranh với những tư tưởng sai trái hay những kẻ cơ hội. Số cán bộ, đảng viên này do ngại va chạm nên không dám bảo vệ quan điểm của Đảng, bảo vệ những ý kiến đúng đắn của người khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến mất sức chiến đấu của Đảng từ cơ sở, làm quần chúng hoang mang, dao động, mất niềm tin.
Bốn là, một số cán bộ đảng viên do bất mãn cá nhân, cơ hội, tiếp tay cho thế lực thù địch, tuyên truyền quan điểm sai trái, độc hại. Một số khác, do nhận thức không đầy đủ, đúng đắn, bị các thế lực thù địch kích động đã ngấm ngầm, hoặc công khai phát tán tài liệu hoặc truyền bá những quan điểm sai trái.
Từ Đại hội VI, Đảng ta đã cảnh báo: “Vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách. Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể và của đất nước với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền... Đã có lúc, có nơi, một đảng viên thụ động, bàng quan, bất lực trước sự lan tràn của những tin đồn nhảm, những dư luận ác ý, tê liệt trước sự tiến công của địch về tư tưởng”(6). Đến nay, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống vẫn đang tiếp tục diễn ra trong Đảng, trực tiếp dẫn đến các hành vi tham nhũng. Nếu như trước đây chủ yếu là bớt xén, ăn cắp vặt, nhũng nhiễu để đòi tiền, mang tính chất cá nhân, đơn lẻ, thì nay chặt chẽ, tinh vi hơn, móc nối chằng chịt, trên dưới, trong ngoài để trục lợi với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phía khách quan là tác động từ sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới và các mặt tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, sự lợi dụng các phương tiện truyền thông hiện đại bởi các thế lực phản động, thù địch để xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế của Việt Nam, cổ xúy cho lối sống hưởng lạc, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, vị đồng tiền; do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường; do tác động từ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là chiến lược diễn biến hòa bình.
Như vậy, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chính là xây dựng văn hóa liêm chính.
Để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa liêm chính, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống để trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên những lý tưởng của Đảng. Luôn mang trong mình văn hóa Đảng
Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả”. Để mỗi người cán bộ, đảng viên thấm nhuần lý tưởng, phải đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng, thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương; tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng.
Phải có những biện pháp cụ thể tăng cường hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn chặt xây dựng văn hóa Đảng với phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả hơn nữa trở thành một hoạt động thường xuyên, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2015 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm túc việc nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan chính quyền, đoàn thể ở mọi lúc, mọi nơi; gắn việc xây dựng và thực hành đạo đức trong Đảng với đột phá về công tác tổ chức và cán bộ; tăng cường giáo dục lương tâm, danh dự, liêm sỉ trong Đảng, nhất là đối với các đảng viên có chức vụ thấm nhuần lời dạy của Hồ Chí Minh: “phải biết rằng tham lam là một điều rất đáng xấu hổ”; tham ô, tham nhũng là một tội ác với dân, với nước.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, có cơ chế kiểm soát quyền lực, khắc phục và ngăn chặn bằng được sự lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực, nhất là của một số cán bộ tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức cán bộ; xử lý và thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả. Lựa chọn để bố trí đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu, có đức, có tài, có bản lĩnh, có tâm huyết chống chạy chức, chạy quyền. Trong công tác cán bộ cần có chương trình hành động cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, phù hợp với từng ngành, từng địa phương, đơn vị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện bảo đảm tính kế thừa và phát triển, chống cục bộ, bè phái.
Ba là, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước
Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội. Xây dựng thành công văn hóa liêm chính trong cơ quan Nhà nước.
Bốn là, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong Đảng và Nhà nước
Phải tập trung đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; chú trọng kiểm tra, giám sát việc học tập, nghiên cứu quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Đẩy mạnh công tác quán triệt, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững nguyên tắc, phương hướng, phương châm, thẩm quyền, thủ tục trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo sự đoàn kết thống nhất, phát huy dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Kịp thời phát huy ưu điểm, uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên từ khi mới phát sinh, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm từ trong nội bộ, ngay từ cơ sở; đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên; chủ động phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những đảng viên có sai phạm. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, góp phần triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, chương trình, kế hoạch của cấp ủy các cấp đến từng đảng viên.
Đồng thời, phải kịp thời đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch. Trước hết cần phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng đổi mới công tác tư tưởng, lý luận; chủ động ngăn chặn, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; kết hợp giữa đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với kịp thời đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch.
Gắn chặt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền gắn với đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và ngược lại. Đảng ta chỉ rõ: “Tham nhũng và suy thoái về chính trị cũng như đạo đức đang trở thành vật cản lớn cho thành công của sự nghiệp đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Cấp ủy các cấp phải thường xuyên rà soát, nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đây là biện pháp rất cơ bản để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và là vấn đề sống còn của Đảng.
Tóm lại, để xây dựng văn hóa liêm chính, để mỗi cán bộ, công chức không cần tham nhũng thì phải đấu tranh triệt tiêu sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Vì vậy, đấu tranh chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống được xem là giải pháp trọng yếu ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, từ đổi mới công tác lý luận, tăng cường hiệu quả giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và quần chúng đến đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước cùng với thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong Đảng và Nhà nước, xử lý nghiêm minh, kịp thời những vi phạm; kịp thời đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch.
Quỳnh Hoa