Chế định luật sư Nhà nước ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản, luật sư nhà nước là khái niệm để chỉ những công chức hoặc người làm việc cho các cơ quan chính phủ để xử lý hoặc đại diện cho chính phủ trong các vụ kiện mà chính phủ là một bên. Luật sư nhà nước ra đời xuất phát từ nhu cầu của Chính phủ về cung cấp thông tin và tham gia giải quyết các vụ kiện mà trong đó Chính phủ, các cơ quan nhà nước, công chức có thể là một bên.
Chính phủ Nhật Bản theo đuổi một chính sách phi quản lý tập trung đối với nhà nước và xã hội, sử dụng sự phân quyền và chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước để đảm bảo trật tự quản lý và quyền lợi công dân. Điều này có nghĩa, chính phủ Nhật Bản đặt các quyết định hình vi hành chính của các cơ quan công quyền và các công chức dưới sức mạnh giám sát của xã hội dân sự. Xã hội dân sự (được kỳ vọng) hành xử như những “tư tố viên” giám sát và phản đối các hành vi sai trái của hệ thống hành chính bằng cơ chế tố tụng tại tòa án. Quá trình giải quyết vụ án của tòa án là quá trình tòa án dùng quyền lực tư pháp để xem xét lại việc thực thi quyền hành pháp của Chính phủ. Và ngược lại, quyền lực tư pháp – sự xét xử của tòa án trong các vụ án này lại cần phải được giám sát bởi các chuyên gia trong hệ thống hành chính – các luật sư nhà nước khi tham gia tố tụng.
Như vậy, sự có mặt của luật sư nhà nước trong các vụ án có liên quan đến nhà nước trước hết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà nước, và sau đó là nhằm thực hiện chức năng giám sát quyền lực tư pháp của tòa án.
Kể từ năm 1947, dưới ảnh hưởng của pháp luật Hoa Kỳ trong thời kỳ Mỹ và quân Đồng Minh chiếm đóng Nhật Bản, Nhật Bản áp dụng mô hình tập trung quản lý dịch vụ pháp lý cung cấp cho các cơ quan nhà nước. Các vụ kiện liên quan đến chính phủ phần lớn được quản lý tập trung bởi một nhóm các công tố viên trực thuộc Bộ Tư pháp, một số công chức làm việc tại các cơ quan liên quan, các chính quyền địa phương và các luật sư thuê ngoài.
- Các công tố viên và bộ máy giúp việc thuộc Bộ Tư pháp
Trong cơ cấu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, các Ban tố tụng là các đơn vị giúp việc cho Bộ trưởng trong các vụ tranh chấp mà nhà nước là một bên, có liên quan hoặc ảnh hưởng tối lợi ích nhà nước. Đến tháng 12/2008, Nhật Bản có 05 Ban tố tụng, gồm: Tố tụng Kế hoạch và Điều phối; Tố tụng Dân sự; Tố tụng Hành chính; Tố tụng thuế; Tố tụng Tài sản và Văn phòng quản lý và 42 công tố viên làm việc tại Bộ Tư pháp; trong đó, 19 người làm việc trong các Ban tố tụng tại trụ sở Bộ Tư pháp ở thủ đô Tokyo, và 33 người còn lại làm việc tại 08 Sở tư pháp lớn tại các thành phố nơi có tòa án cấp cao. Số công tố viên này có nhiệm vụ đại diện cho chính quyền trong các vụ kiện hành chính và dân sự. Khoảng một nửa trong số các công tố viên này là các công tố viên của các viện công tố được biệt phái với nhiệm kỳ ba năm hoặc là các công tố viên từ các đơn vị khác thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, số còn lại là các thẩm phán được biệt phái từ Tòa án sang Bộ Tư pháp hoặc các sở tư pháp. Các Ban Tố tụng của Bộ Tư pháp hoặc các vị trí cao cấp thường do các thẩm phán đứng đầu. Tòa án tối cao Nhật Bản dường như quan niệm rằng “ai cũng có thể làm thẩm phán, nhưng chỉ những người thực sự tài năng xuất sắc mới có thể đảm trách các công việc hành chính”. Điều đó có nghĩa là chỉ những thẩm phán xuất sắc mới được biệt phái làm luật sư nhà nước. Ngoài ra, từ khi Luật về Luật sư được sửa đổi vào năm 2005 cho phép luật sư vẫn có thể giữ tư cách hành nghề trong lúc làm công chức, Bộ Tư pháp bắt đầu thuê một số luật sư từ khu vực tư vào làm công tố viên tại Bộ.
Việc sử dụng các công tố viên – những người chuyên về buộc tội hình sự - để đại diện cho chính quyền trong các vụ kiện hành chính và dân sự, có vẻ như là một nghịch lý. Nhưng thực tế, ở Nhật Bản, mặt bằng trình độ và sự luân chuyển giữa các chức danh tư pháp là khá đồng đều. Họ đều được trang bị một mặt bằng đào tạo giống nhau; đều phải trải qua một kỳ thi tư pháp quốc gia cực kỳ ngặt nghèo để trở thành các thực tập sinh nghề luật; sau đó được đào tạo chung tại Viện nghiên cứu và đào tạo pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp. Tại đây, họ được học cả ba kỹ năng nghề nghiệp của thẩm phán, luật sư và công tố viên. Thời gian thực tập nghiệp vụ từ 8 tháng đến 01 năm cũng chia đều ở cả ba cơ quan: tòa án, viện công tố và văn phòng luật sư. Đó chính là lý do các công tố viên, các thẩm phán được biệt phái đều có đủ kỹ năng và khả năng để đảm trách vai trò của luật sư nhà nước.
Giúp việc cho nhóm công tố viên (hơn 40 người – còn gọi là luật sư nhà nước) là một số lượng lớn trợ lý luật sư. Trong đó, giúp việc cho 19 công tố viên là 42 trợ lý, giúp việc cho hơn 33 công tố viên thuộc các sở tư pháp là 300 trợ lý. Số lượng trợ lý này hầu như không tăng nhiều trong vòng một thập kỷ trở lại đây (kể từ khi tiến hành cải cách tư pháp). Các trợ lý cũng được luân chuyển thường xuyên trong các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Công việc của các trợ lý thường là chuẩn bị giấy tờ cho các vụ kiện như, thực hiện một số việc nghiên cứu đơn giản như tìm kiếm các cơ sở dữ liệu và sao chụp các văn bản pháp luật. Những công việc phức tạp hơn do chính các công tố viên hoặc các công chức thuộc các bộ khác thuộc chính phủ (có liên quan đến vụ việc) đảm trách. Chỉ riêng đối với các vụ việc về thuế thì phần lớn các công việc nghiên cứu pháp luật sẽ do các trợ lý biệt phái từ Cơ quan Thuế quốc gia thực hiện.
- Các công chức thuộc Ủy ban thương mại công bằng và Văn phòng Sáng chế
Ủy ban thương mại công bằng và Văn phòng sáng chế ở Nhật là nơi xử lý các tranh chấp liên quan tới những lĩnh vực đặc thù như pháp luật cạnh tranh và sáng chế. Các công tố viên của Bộ Tư pháp không tham gia đại diện cho nhà nước trong lĩnh vực này. Tất cả các vụ tranh chấp này do các luật sư nội bộ trong Văn phòng Sáng chế (JPO) đảm nhận.
Kể từ năm 2003, nhân lực và ngân sách mà Văn phòng sáng chế dành cho việc giải quyết các tranh chấp và các vấn đề thực thi pháp luật về chống độc quyền ngày càng tăng. Ngoài số công chức tại Văn phòng sáng chế làm nhiệm vụ của luật sư, Văn phòng sáng chế còn sử dụng các luật sư thuê ngoài, một số thẩm phán và công tố viên biệt phái để xem xét lại các quyết định của Ủy ban và thực hiện các công việc liên quan tới các vụ kiện tại tòa án. Tuy nhiên số lượng này không nhiều, số luật sư năm 2004 là 4 người, năm 2006 là 8 người, và tăng dần tới tháng 10/2010 là 14 người. Từ năm 2009 đến 2011, số lượng thẩm phán và công tố viên tham gia công việc này không thay đổi, chỉ có 2 thẩm phán và 3 công tố viên. Trong đó có 2 thẩm phán đóng vai trò là trọng tài nội bộ của Văn phòng sáng chế, xem xét và quyết định các vụ việc nội bộ.
Công việc của các luật sư nhà nước tại Văn phòng sáng chế là tham gia giải quyết và đại diện cho nhà nước trong các vụ kiện liên quan tới các quyết định và các biện pháp pháp lý mà Văn phòng sáng chế áp dụng trong các vụ thỏa thuận ấn định giá, gian lận đấu thầu, bồi thường do vi phạm các quy định của Luật chống độc quyền. Doanh nghiệp có thể phản đối (khiếu nại) các quyết định này tới trọng tài nội bộ của Văn phòng sáng chế. Nếu doanh nghiệp/người khiếu nại không thỏa mãn với quyết định giải quyết khiếu nại của trọng tài nội bộ (các thẩm phán được luân chuyển tại văn phòng sáng chế), họ có thể kháng cáo lên Tòa án cao cấp Tokyo. Lúc này, các luật sư nhà nước (và trong một số trường hợp có thể chính là các trọng tài nội bộ đã tham gia giải quyết khiếu nại) sẽ đại diện cho văn phòng sáng chế tại tòa án. Kể từ năm 1991, văn phòng sáng chế cũng tố cáo một số vụ án hình sự. Các công tố viên thuộc Công tố viện sau đó sẽ chịu trách nhiệm khởi tố các vụ án này.
- Các công chức thuộc các cơ quan khác thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương
Ngoài hai lĩnh vực đặc thù là pháp luật chống độc quyền và bằng sáng chế nói trên, trong các tranh chấp khác có liên quan tới chính phủ, các công tố viên thuộc Bộ Tư pháp sẽ đại diện cho nhà nước trong quá trình tố tụng và các công chức thuộc các cơ quan khác thuộc chính phủ hoặc chính quyền địa phương sẽ phối hợp và hỗ trợ các công tố viên.
Trong các tranh chấp liên quan đến thuế, các công tố viên thuộc Bộ Tư pháp sẽ tham gia tố tụng tại Tòa, tập trung vào các vấn đề như biện hộ, chứng cứ và tranh tụng. Các quan chức thuộc Cơ quan thuế quốc gia thì hỗ trợ thực hiện các đánh giá sơ bộ, tư vấn chuyên môn. Các công chức này thường tốt nghiệp đại học luật và trải qua rất nhiều các kỳ thi về pháp luật trước khi được tuyển dụng làm công chức.
Cơ chế làm việc phối hợp giữa công tố viên thuộc Bộ Tư pháp và các công chức cũng được áp dụng cho các vụ kiện về bồi thường nhà nước trong đó cả chính quyền địa phương và chính quyền trung ương bị kiện. Tiêu biểu là các vụ liên quan tới bồi thường thiệt hại do sai sót của sản phẩm hàng hóa hoặc ô nhiễm môi trường. Trong các vụ kiện này, vai trò của các công tố viên chủ yếu là điều phối và kết nối các công chức của chính quyền địa phương và cũng chỉ trong các vụ việc có quy mô lớn. Về cơ bản, các chính quyền địa phương tự quản lý các vụ kiện liên quan tới họ, thường bằng cách thuê các luật sư bên ngoài, chỉ có ở các tỉnh lớn mới có luật sư nội bộ trong chính quyền địa phương.
- Các luật sư thuê ngoài
Bên cạnh các luật sư nhà nước là các công chức, có một số lượng luật sư được các cơ quan nhà nước thuê ngoài để phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp. Luật sư có thể được sử dụng dưới hai hình thức, một là tuyển dụng làm công chức theo chế độ hợp đồng; hai là thuê khoán theo vụ việc.
Ở Bộ Tư pháp, có một số luật sư được thuê để đảm nhiệm vai trò công tố viên. Trong các vụ kiện phức tạp kéo dài đến hàng thập kỷ, các luật sư ở bên ngoài được thuê để hỗ trợ các công tố viên thuộc Bộ Tư pháp. Các luật sư này thường là các cựu công tố viên hoặc cực thẩm phán. Ngân sách dành cho việc thuê luật sư cũng hạn hẹp, chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngân sách hàng năm mà Bộ Tư pháp dành cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhà nước.
Các cơ quan khác thuộc Chính phủ như JPO thì có các cách sử dụng đội ngũ luật sư bên ngoài khác nhau. Ở JPO thay vì thuê luật sư để giải quyết các vụ kiện (hậu kiểm), cơ quan này chú trọng sử dụng luật sư để thẩm định các đơn xin cấp bằng sáng chế (tiền kiểm). Qua việc tăng cường tiền kiểm, các công việc hậu kiểm trở nên dễ dàng hơn và được đảm trách bằng các luật sư nội bộ.
Các chính quyền địa phương thường sử dụng các luật sư thuê ngoài để quản lý các vụ tranh chấp liên quan đến chính quyền. Điều này xuất phát từ thực tế là chỉ có các chính quyền ở địa phương lớn mới có các luật sư nội bộ trong cơ cấu bộ máy. Các luật sư thuê ngoài này thường là của một số ít văn phòng được thuê khoán thường xuyên. Công việc tư vấn cho chính quyền trong các vụ kiện này cũng không phải là một công việc danh giá hay có thu nhập cao, vì vậy không đặt ra yêu cầu các chính quyền địa phương phải gọi thầu cung cấp dịch dụ pháp lý. Hơn nữa, số lượng các vụ kiện cũng không nhiều. Ví dụ, như chính quyền Tokyo phục vụ số dân khoảng 13 triệu người, nhưng cho tới tháng 3 năm 2009, chỉ phải giải quyết 210 vụ kiện./.
Phương Thảo