Kinh nghiệm quản lý đầu tư công của một số quốc gia trên thế giới

Thứ Ba, 01/10/2013, 10:08 [GMT+7]

(BNCTW) - Đầu tư công là động lực chủ chốt cho sự tăng trưởng và phát triển của quốc gia, dựng nên cơ sở hạ tầng xã hội, hỗ trợ hoạt động của tất cả các thành phần kinh tế. Là một trong những chi tiêu quan trọng nhất của Chính phủ, với mục đích tạo ra lợi ích trong tương lai, đầu tư công thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư, chi tiêu của xã hội. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, với mức độ phát triển và thể chế khác nhau, vai trò, lĩnh vực đầu tư công cũng như chính sách quản lý hình thức đầu tư này có những đặc điểm riêng biệt.

1. Về kế hoạch đầu tư và quy hoạch phát triển

Tại Trung Quốc, tất cả các dự án đầu tư công đều phải nằm trong quy hoạch đã được duyệt mới được chuẩn bị đầu tư. Trung Quốc có Luật riêng về Quy hoạch. Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước Trung Quốc là cơ quan đầu mối tổ chức thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo thẩm định về các quy hoạch phát triển, trình Quốc Vụ viện (Chính phủ) phê duyệt; kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện các quy hoạch đã được duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào các quy hoạch phát triển đã được duyệt để đề xuất, xây dựng kế hoạch đầu tư và danh mục các dự án đầu tư (bằng vốn của ngân sách nhà nước và vốn đầu tư của xã hội). Trung Quốc rất coi trọng khâu chủ trương đầu tư dự án. Tất cả các dự án đầu tư công đều phải lập Báo cáo đề xuất dự án (kể cả các dự án đã có trong quy hoạch đã được phê duyệt). Việc điều chỉnh dự án (mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư) nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt phải được sự chấp thuận của cơ quan phê duyệt quy hoạch đó.

Tại Trung Quốc, tất cả các dự án đầu tư công đều phải nằm trong quy hoạch đã được duyệt mới được chuẩn bị đầu tư
Tại Trung Quốc, tất cả các dự án đầu tư công đều phải nằm trong quy hoạch đã được duyệt mới được chuẩn bị đầu tư

Tại Hàn Quốc, hệ thống ngân sách được thực hiện và quản lý tập trung; trong đó, Bộ Chiến lược và Tài chính giữ vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch ngân sách cũng như chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công. Thông thường, các quyết định liên quan tới ngân sách sẽ được đưa ra sau khi có thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền và cơ quan Bộ có nhu cầu sử dụng vốn. Chính phủ ban hành Khung chỉ tiêu trung hạn cùng với chính sách ngân sách từ trên xuống. Việc phân bổ năm ngân sách bắt đầu bằng việc thảo luận về kế hoạch ngân sách đầu tư cho 5 năm.

2. Về tổ chức quản lý đầu tư và thẩm định dự án

Ở Trung Quốc, quản lý đầu tư công được phân quyền theo 04 cấp ngân sách: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp thành phố và cấp huyện, trấn. Cấp có thẩm quyền của từng cấp ngân sách có toàn quyền quyết định đầu tư các dự án sử dụng vốn từ ngân sách của cấp mình. Đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên phải lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan của ngân sách cấp trên trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Việc thẩm định các dự án đầu tư ở tất cả các bước (chủ trương đầu tư, báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật và tổng khái toán, thiết kế thi công và tổng dự toán, đấu thầu…) đều thông qua Hội đồng thẩm định của từng cấp và lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cùng cấp và cấp trên nếu có sử dụng vốn hỗ trợ của ngân sách cấp trên.

Hội đồng thẩm định của từng cấp do cơ quan được giao kế hoạch vốn đầu tư thành lập (Cơ quan quản lý chuyên ngành). Thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia có chuyên môn sâu thuộc lĩnh vực dự án yêu cầu, được lựa chọn theo hình thức rút thăm từ danh sách các chuyên gia được lập, quản lý ở từng cấp theo từng phân ngành. Các chuyên gia này được xác định là có trình độ chuyên môn thích hợp, đáp ứng yêu cầu thẩm định của từng dự án cụ thể.

Trung Quốc có phân loại dự án quan trọng quốc gia trên cơ sở các tiêu chí về quy mô tổng mức đầu tư, quy mô tác động kinh tế - xã hội, môi trường của dự án và quy mô sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản của quốc gia. Ví dụ, Quốc vụ viện Trung Quốc phê duyệt các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách nhà nước và có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ nhân dân tệ trở lên (tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng).        

Tại Nhật Bản, các cơ quan quản lý và điều hành đầu tư công ngoài Chính phủ và các tập đoàn công cộng, cơ quan chính quyền quận, thành phố còn có sự tham gia của các tổ chức hợp tác đầu tư giữa nhà nước và tư nhân.

Tại Hàn Quốc, Trung tâm quản lý đầu tư hạ tầng công - tư thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc là cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án đầu tư công có quy mô lớn. Bộ Chiến lược và Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, thông qua và quyết định việc loại bỏ hoặc chuyển sang giai đoạn nghiên cứu khả thi các dự án này, bao gồm:

(1) Dự án dùng vốn ngân sách trung ương có tổng mức đầu tư từ 50 tỷ won (tương đương 50 triệu USD) trở lên, bao gồm cả dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và không xây dựng cơ sở hạ tầng như các chương trình đầu tư nghiên cứu phát triển và phúc lợi xã hội;

(2) Dự án dùng vốn ngân sách của địa phương và các dự án hợp tác công tư có nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương trên 30 tỷ won (khoảng 30 triệu USD).

Sau khi Bộ Chiến lược và Tài chính thẩm định, Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án nêu trên sẽ được trình ra Quốc hội Hàn Quốc xem xét, quyết định.

Ở Vương quốc Anh, các dự án đường bộ trị giá trên 500 triệu Bảng Anh (tương đương 16.500 tỷ đồng) cần được Bộ Tài chính phê duyệt công khai, trong khi mức độ tham gia của Bộ Tài chính vào quá trình rà soát thẩm định các dự án giao thông khác còn phụ thuộc vào quy mô và sự phức tạp của dự án. Ở Ailen và Vương quốc Anh, các dự án cơ sở hạ tầng lớn là đối tượng điều trần công khai trước khi kết thúc giai đoạn thẩm định. Ở Chi-lê, việc thẩm định dự án được thực hiện bởi Bộ lập kế hoạch dự án chứ không phải Bộ cấp tiền cho dự án.

3. Về điều chỉnh dự án

Một số nước có hệ thống quản lý đầu tư công tương đối hiệu quả như Chi- lê, Ai-len, Hàn Quốc và Vương quốc Anh đều áp dụng cơ chế cụ thể để xúc tiến rà soát thực hiện dự án nếu có sự thay đổi cơ bản về chi phí, tiến độ, và lợi nhuận ước tính của dự án. Ví dụ ở Hàn Quốc, các dự án tự động được thẩm định lại nếu chi phí thực tế tăng thêm trên 20%; ở Chile, nếu giá bỏ thầu thấp nhất cao hơn giá dự toán từ 10% trở lên, dự án đó sẽ bị thẩm định lại.

4. Về ủy thác đầu tư

Ở Trung Quốc, doanh nghiệp nhà nước không có cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, được toàn quyền quyết định về tổ chức, nhân sự, hành chính và hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp không trực tiếp quản lý các tổ chức sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Phần tài sản, cổ phần của nhà nước ở các doanh nghiệp được quản lý theo quy định của pháp luật và do cơ quan quản lý công sản ở các cấp chịu trách nhiệm quản lý. Nói chung, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần của nhà nước và các doanh nghiệp không có cổ phần của nhà nước đều có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và cơ hội tiếp cận các nguồn lực, sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ như nhau.

Trên cơ sở nền tảng là Nhà nước không trực tiếp quản lý các tổ chức sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ nên toàn bộ các khối lượng công việc chính thực hiện theo hình thức ủy thác đầu tư bằng các hợp đồng ủy thác theo quy định pháp luật. Ví dụ: Việc lập báo cáo khả thi, thẩm định báo cáo khả thi, đấu thầu chọn nhà thầu; thực hiện đầu tư toàn bộ dự án hoặc từng hạng mục công trình có tính chất độc lập của dự án. Việc lựa chọn các tổ chức để ủy thác đầu tư được thực hiện thông qua đấu thầu theo quy định của Luật Mua sắm chính phủ, Luật Đấu thầu. Các trung tâm mua sắm chính phủ tổ chức đấu thầu, chọn ra các nhà thầu để ủy thác đầu tư theo quy định của pháp luật.

Các Trung tân mua sắm Chính phủ là các tổ chức sự nghiệp được hình thành từ tổ chức mua sắm Chính phủ của Bộ Tài chính và các Sở Tài chính của các tỉnh. Kinh phí hoạt động của các trung tâm này được trang trải bằng nghiệm thu từ tỷ lệ phần trăm giá trị của các gói thầu do trung tâm đã tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Trung Quốc có đội ngũ các doanh nghiệp làm dịch vụ tổ chức đấu thầu mua sắm cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp khác với trình độ khá chuyên nghiệp. Việc áp dụng rộng rãi hình thức ủy thác đầu tư đã góp phần làm giảm lãng phí, thất thoát trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng các công trình đầu tư.

5. Về giám sát, kiểm tra, đánh giá đầu tư

Tại Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Chi-lê, Ai-len…, việc kiểm tra, đánh giá hoàn thành dự án được thực hiện thông qua chính sách hậu kiểm. Ở Chi-lê và Hàn Quốc, quan chức thường giữ vai trò lớn trong việc kiểm tra tài sản hoàn thành so với kế hoạch dự án. Tại Ai-len và Vương quốc Anh, đánh giá hoàn thành dự án là đánh giá tác động của dự án đầu tư dựa trên kết quả đầu ra. Tại bốn quốc gia này, các dự án đầu tư đều phải được kiểm toán. Riêng Ai-len và Vương quốc Anh, cơ chế rà soát đặc biệt được thực hiện nhằm phát hiện những nhân tố mang tính hệ thống ảnh hưởng tới chi phí và chất lượng của dự án.

Ở Trung Quốc, việc tổ chức giám sát các dự án đầu tư công được thực hiện thông qua nhiều cấp, nhiều vòng giám sát khác nhau. Mục đích giám sát đầu tư của cơ quan Chính phủ là đảm bảo đầu tư đúng mục đích, đúng dự án, đúng quy định và có hiệu quả. Cơ quan có dự án phải bố trí người thực hiện giám sát dự án thường xuyên theo quy định pháp luật.

Ủy ban phát triển và cải cách từng cấp chịu trách nhiệm tổ chức giám sát các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của cấp mình, có bộ phận giám sát đầu tư riêng. Khi cần thiết có thể thành lập tổ đặc nhiệm để thực hiện giám sát trực tiếp tại nơi thực hiện dự án. Ủy ban phát triển và Cải cách thành lập và chủ trì các tổ giám sát đầu tư liên ngành với sự tham gia của các cơ quan tài chính, chống tham nhũng, quản lý chuyên ngành cùng cấp và các cơ quan, địa phương có liên quan.

Như vậy, trong quá trình phát triển, các nước đều không ngừng nghiên cứu hoàn thiện cơ sở luật pháp, chính sách về sử dụng vốn nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này phù hợp với hoàn cảnh trong từng giai đoạn phát triển. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, cần thiết phải có một văn bản pháp lý đủ mạnh để quản lý quá trình đầu tư công một cách toàn diện và hiệu quả, vì việc sử dụng vốn Nhà nước, nhất là nguồn vốn ngân sách chi đầu tư phát triển của Việt Nam chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng cân đối ngân sách nhà nước hiện nay.

Nguyễn Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.