Kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong kê khai tài sản của một số nước trên thế giới

Thứ Ba, 01/10/2013, 10:10 [GMT+7]

Kê khai tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả của một số quốc gia trên thế giới. Đến nay, nó đã trở thành một phần trong tiêu chuẩn mang tính toàn cầu và được thể hiện rõ nét trong Công ước của Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng (được thông qua vào năm 2003), trong đó “Mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét việc thiết lập, căn cứ vào pháp luật quốc gia, hệ thống công khai tài chính hiệu quả đối với nhóm công chức nhất định, và quy định chế tài thích hợp đối với việc không chấp hành" (Điều 52 khoản 5 Công ước). Tuân thủ Công ước trên, một số quốc gia đã có những quy định về trách nhiệm và chế tài áp dụng đối với nghĩa vụ kê khai tài sản của công chức nước mình, phù hợp với tình hình cụ thể trong phòng, chống tham nhũng.

Ở các quốc gia đã xây dựng hệ thống kê khai tương đối toàn diện thì đều có một khung pháp lý về chế tài xử phạt đầy đủ, trong đó xác định cụ thể các dạng vi phạm trong kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Theo đó, việc không chấp hành các quy định về kê khai được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là vi phạm về nghĩa vụ nộp bản kê khai (không nộp bản kê khai và chậm muộn trong nộp bản kê khai) và nhóm thứ hai là vi phạm liên quan đến việc cung cấp thông tin trong bản kê khai (cung cấp thông tin không đầy đủ theo yêu cầu; vô ý hoặc cố ý cung cấp sai thông tin).

Ở một số quốc gia, không có sự phân biệt giữa kê khai không đầy đủ và kê khai không trung thực hoặc cố tình và vô tình kê khai không đúng sự thật. Bulgaria chỉ áp dụng chế tài cho việc không nộp hay nộp chậm bản kê khai. Bosnia và Herzegovina là thí dụ khá hiếm hoi khi mà có đến 2 hệ thống kê khai (một là hệ thống được điều chỉnh bởi Luật về xung đột lợi ích trong các cơ quan chính phủ; một là hệ thống kê khai dành cho các công chức do bầu cử, được điều chỉnh bởi Luật bầu cử) nhưng không có chế tài xử phạt. Ở Na Uy, việc nộp bản kê khai đối với thành viên nghị viện và các bộ trưởng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

Để xử lý các dạng vi phạm trong kê khai tài sản, pháp luật nhiều nước trên thế giới đã quy định về các chế tài cụ thể:

- Các chế tài hình sự: Việc yêu cầu công chức kê khai tài sản và thu nhập thường được coi là một trong những công cụ để ngăn ngừa tham nhũng và các hoạt động bất hợp pháp khác. Một số quốc gia đã hình sự hóa hành vi vi phạm trong lĩnh vực kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, những vi phạm liên quan đến việc kê khai và nộp bản kê khai thường không xử lý được theo Luật hình sự. Hoa Kỳ là một thí dụ tương đối ngoại lệ khi đã có quy định trong Luật về đạo đức Chính phủ về việc phạt tiền hoặc phạt tù dưới 1 năm hoặc cả phạt tiền và phạt tù đối với những ai cố tình kê khai sai thông tin mà mình được yêu cầu báo cáo. Ở Italia, các thành viên của chính phủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không nộp bản kê khai về các lợi ích của mình hoặc kê khai không trung thực. Ở Ba Lan, công chức địa phương có thể bị phạt tù đến 3 năm vì tội kê khai không trung thực về các lợi ích của mình. Ở Vương quốc Anh, chế tài hình sự có thể được áp dụng đối với các thành viên của Nghị viện Scotlen, Quốc hội xứ Wales và Quốc hội Bắc-Ai-Len nếu họ không kê khai tài sản, thu nhập. Những chế tài này tiếp tục được vận dụng áp dụng đối với các cán bộ của cơ quan có thẩm quyền địa phương nếu họ không kê khai các lợi ích vật chất. Ở Trung Quốc, công chức không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình thì bị coi là tham ô. Bất cứ công chức nào có tài sản vượt quá mức thu nhập và số lượng chênh lệch quá lớn thì bắt buộc phải giải trình nguồn gốc của tài sản. Nếu công chức không chứng minh được tài sản đó là hợp pháp thì sẽ bị kết án 5 năm tù giam và phần tài sản vượt quá mức thu nhập sẽ bị tịch thu (Điều 395 Bộ luật hình sự Trung Quốc).

- Các chế tài hành chính: Đây là loại chế tài phổ biến nhất trong các hệ thống xử lý vi phạm về kê khai ở hầu hết các quốc gia có hệ thống pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập. Hình thức phổ biến nhất của chế tài này là phạt tiền.

- Các chế tài kỷ luật: Các chế tài kỷ luật được sử dụng điển hình đối với các công chức làm việc trong khu vực dịch vụ công (thường không bao gồm các công chức làm chính trị hoặc được bầu). Các vi phạm về kỷ luật thường được đưa vào một đạo luật riêng, ví dụ như Luật về công vụ. Các hình thức xử phạt hiện hành thường là khiển trách, hạ bậc lương, sa thải, v.v…  

Ở Pháp, đối với công chức được bầu, nếu không nộp bản kê khai tài sản cá nhân thì người đó sẽ bị đình chỉ công tác 1 năm và việc bổ nhiệm đối với công chức đó sẽ bị dừng lại. Nếu có một cơ quan quản lý tập trung đối với vấn đề kê khai thì công chức không nộp bản kê khai đúng thời hạn có thể tự động bị đình chỉ công tác hoặc sa thải. Tuy nhiên, thường thì cơ quan quản lý trung ương sẽ yêu cầu lãnh đạo trực tiếp của công chức đó thực hiện việc đình chỉ hoặc sa thải. Ví dụ như ở Albania, Kosovo, việc đình chỉ công tác đối với công chức không tuân thủ được thực hiện bởi cơ quan quản lý công chức đó; Thanh tra về kê khai và kiểm toán cấp cao chỉ đề xuất biện pháp xử lý. Tuy nhiên, cơ chế này sẽ không hiệu quả đối với những hệ thống mà cơ quan quản lý trung ương đang có vấn đề, hoặc việc thực thi luật yếu kém. 

- Trách nhiệm dân sự: Trách nhiệm dân sự trong trường hợp này thường không được quy định phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, khi công chức không thực hiện việc kê khai hoặc nộp bản kê khai, sự tổn hại đối với lợi ích công thường không thể xác định rõ ràng, do đó không thể xác định mức đền bù.

Ở Latvia, thủ tục tố tụng dân sự đối với các thiệt hại có thể được tiến hành nếu thu nhập của công chức kiếm được không tương thích với chức vụ hiện tại của họ. Ở Hoa Kỳ, theo quy định tại Phần 102 của Luật đạo đức Chính phủ, Tổng Chưởng lý có thể truy cứu trách nhiệm dân sự đối với cá nhân mà cố tình làm sai lệch hoặc cố tình không nộp bản kê khai hoặc không kê khai những thông tin mà mình được yêu cầu kê khai. Tòa án nơi mà vi phạm đó được đưa ra xét xử có thể xử phạt dân sự đối với cá nhân đó với số tiền không quá 50.000 USD.

- Các biện pháp mềm khác: Ở một số quốc gia, không có các chế tài mang tính pháp lý và cũng không có các hậu quả pháp lý nghiêm khắc nào được quy định đối với việc vi phạm, thay vào đó là các biện pháp mềm nhằm khuyến khích việc tuân thủ. Thường thì phương pháp này được áp dụng đối với các công chức được bầu trong các chức vụ về chính trị, là những vị trí mà các chế tài khác không áp dụng được. Việc thanh kiểm tra tính chính xác của các bản kê khai đôi khi được nói đến như là trách nhiệm của bên thứ ba, ví dụ như các cơ quan truyền thông và các tổ chức phi chính phủ, cho nên việc xử lý có thể chỉ giới hạn theo phản ứng của dư luận. Các hình thức xử phạt thường là cảnh cáo, thông báo rộng rãi về sai phạm, cho xuất bản các bằng chứng về sai phạm, hoặc người sai phạm phải xin lỗi công khai. Ví dụ như ở Thụy Điển, nếu một thành viên của nghị viện không nộp bản kê khai theo quy định thì việc đó sẽ được thông báo ở phiên họp toàn thể. Ở Hạ viện Anh, nếu trách nhiệm kê khai về các lợi ích không được tuân thủ thì người vi phạm sẽ được yêu cầu xin lỗi công khai trước Hạ viện. Ở Đức, nếu vi phạm các Quy tắc ứng xử thì thành viên của nghị viện có thể sẽ phải đối diện với một thông báo cảnh cáo (nếu sai phạm nhỏ, như không nộp bản kê khai đúng thời hạn), thông báo công khai về vi phạm, hoặc phạt tiền. Các chế tài mềm cũng được đề cập đến ở Bulgaria, Croatia, Kosovo, Montenegro và Lithuania.

Thảo Nguyễn

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.