Vấn đề nhân quyền - dân quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh và giá trị của Tuyên ngôn độc lập 02-9-1945

Thứ Sáu, 20/09/2013, 14:09 [GMT+7]

    Ngày 02-9-1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân thủ đô thuộc đủ các tầng lớp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, công bố với toàn thể quốc dân và nhân dân thế giới rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.

    Tuyên ngôn độc lập trở thành một văn kiện cực kỳ quan trọng, một áng “Thiên cổ hùng văn” được viết ra bằng toàn bộ tâm huyết, trí tuệ, tư tưởng nhân văn và ý chí của một con người, đại diện cho một dân tộc đang chiến đấu và sẵn sàng hi sinh chiến đấu vì độc lập, tự do(1). Bản Tuyên ngôn độc lập không dài, chỉ vỏn vẹn có 49 câu, với 1.010 chữ, nhưng lại chứa đựng những nội dung vô cùng to lớn, ý nghĩa vô cùng sâu sắc, toát lên những vấn đề rất căn bản, trong đó có vấn đề về nhân quyền, dân quyền và chân lý: không có gì quý hơn độc lập, tự do. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc Việt Nam, người ta không khó tìm thấy những tấm gương hi sinh chiến đấu dũng cảm vì nền độc lập của Tổ quốc, vì quyền sống, quyền tự do của con người. Bài thơ “thần” được đọc tại đền thờ Trương Hát trên bờ sông Như Nguyệt năm 1077 trong cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, từng được coi là “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ nhất của dân tộc Việt Nam, từng làm nhụt chí quân thù và khích lệ lòng yêu nước, ý chí chiến đấu của quân dân ta:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nghiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Tạm dịch:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách giời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”

Bác Hồ đang làm việc. (Ảnh minh họa)
Bác Hồ đang làm việc. (Ảnh minh họa)


    Không chỉ chiến đấu vì độc lập, tự do, mà đi liền với độc lập, tự do là nhân quyền (quyền làm người) và dân quyền (quyền dân).
Trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, vấn đề nhân quyền và dân quyền đã trở thành một yêu cầu cấp bách. Cũng như nhiều dân tộc khác ở phương Đông trong thời kỳ “Châu Á thức tỉnh”, đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam đã đón nhận những luồng tư tưởng mới từ bên ngoài dội vào, nổi bật lên là lý tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để từ đó hình thành một khuynh hướng cứu nước mới, khuynh hướng dân chủ tư sản. Tư tưởng này đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong các nước thuộc địa phương Đông, đang rên xiết dưới ách thống trị của bọn đế quốc phương Tây với khát vọng giải phóng dân tộc, đưa đất nước đi theo con đường văn minh, tiến bộ. Cũng chính từ sự hấp dẫn của lý tưởng tự do, bình đẳng bác ái mà Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đi sang phương Tây nhằm khảo sát, tìm hiểu một cách cặn kẽ ý nghĩa của những ngôn từ mà theo Người đang còn là “bí ẩn” và xa lạ đối với người Việt Nam, để rồi sau đó sàng lọc, tiếp nhận và vận dụng nó một cách sáng tạo, có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sớm nhận ra những khiếm khuyết của các cuộc cách mạng tư sản, kể cả trên lý thuyết và nhất là trong hành động thực tế, nên ngay từ những năm 20 (thế kỷ XX) Nguyễn Ái Quốc đã hướng Cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga, theo Chủ nghĩa Lênin, vì “cách mệnh tư bản chưa phải là cách mệnh đến nơi”, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”(2). Cách mạng Việt Nam trước hết phải làm “dân tộc cách mệnh” nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do, đồng thời tiến lên làm “giai cấp cách mệnh” đánh đuổi tư bản nhằm giải phóng quần chúng lao động.

    Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương đã từng bước xây dựng và hoàn thiện đường lối cách mạng nước ta. Dựa trên tinh thần cơ bản của bản Chính cương, sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua vào đầu năm 1930, đường lối cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng về sau đã luôn luôn thấm đượm tinh thần dân tộc và tính nhân văn sâu sắc. Đó là đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, trong đó độc lập, tự do là tư tưởng cốt lõi. Trong giai đoạn 1936-1939, vấn đề dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân nguyện… được đề cao nhưng vẫn luôn gắn liền với hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến. Những vấn đề về nhân quyền và dân quyền giờ đây được phản ánh thông qua các cuộc đấu tranh đòi tự do ứng cử và bầu cử, tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do nghiệp đoàn… Đây cũng là một bước chuẩn bị quan trọng để tiến lên giành những quyền dân tộc cơ bản và thực thi những quyền ấy trong những năm 1939-1945. Tháng 5-1941, sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám và thành lập ra Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Tuyên ngôn và Chương trình của Việt Minh đã cụ thể hóa mục tiêu về nhân quyền và dân quyền, từng được nêu trong Chính cương, Sách lược vắn tắt, chương trình và điều lệ tóm tắt của Đảng. Tôn chỉ mục đích của Việt Minh ghi rõ: Việt Minh liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng, xu hướng, đảng phái chính trị, giai cấp, dân tộc… để đánh Pháp, đuổi Nhật “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: (1) Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; (2) làm cho toàn nhân dân Việt Nam được sung sướng, tự do(3).

    Chính sách của Mặt trận Việt Minh được công bố sau khi thành lập đã nhấn mạnh đến các vấn đề về bảo đảm các quyền cơ bản của mọi tầng lớp nhân dân như công nhân, nông dân, trí thức, binh lính, phụ nữ, thiếu nhi, tư sản, địa chủ, nhà buôn, người già, kẻ tàn tật… nói cách khác, Mặt trận Việt Minh không chỉ quan tâm đến quyền lợi của những ai trực tiếp tham gia vào cuộc vận động cứu nước, mà còn chú ý tới các quyền tự do dân chủ cơ bản, có tính chất phổ biến trong đời sống xã hội. Đó là: tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, phổ thông đầu phiếu, tự do kinh doanh, tự do thông thương; dân chúng được tự do khai khẩn đất hoang, các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ trong giáo dục; trí thức được khuyến khích phát triển tài năng; công nhân được hưởng luật lao động, ngày làm 8 giờ, được cứu tế thất nghiệp, bảo hiểm xã hội; nông dân có ruộng đất cày cấy, phụ nữ được bình đẳng, người già và nhi đồng được chăm nom…

    Tư tưởng nhân quyền và dân quyền trên đây được biểu hiện cụ thể và sinh động tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (ngày 16, 17-8-1945). Tuy chỉ có hơn 60 đại biểu tham dự, nhưng Đại hội Quốc dân Tân Trào đã trở thành Đại hội mang ý chí toàn dân, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân trên khắp ba miền Trung, Nam, Bắc, của kiều bào ta ở nước ngoài, của đại diện các tôn giáo, đảng phái, dân tộc ở khắp nơi trong toàn quốc. Tiếp ngay sau Đại hội Tân Trào, cuộc tổng khởi nghĩa đã bùng nổ và lan rộng, với một khí thế sục sôi và một sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Tính đến ngày 28-8-1945 trong vòng 12 ngày, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đã giành được thắng lợi trong cả nước. Ngay sau khi khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã giao cho đồng chí Lê Đức Thọ lên vùng giải phóng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thủ đô. Ngày 25-8, Hồ Chí Minh và các đồng chí cùng đi về tới làng Gạ, một làng ở ngoại thành Hà Nội, rồi sau đó, Người được đưa về ở tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang - Một cơ sở cách mạng bí mật của Đảng. Tại đây, trên căn gác 2, Người đã dành nhiều thời gian để viết Tuyên ngôn độc lập. Khi viết văn kiện quan trọng này, Hồ Chí Minh đã tham khảo bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp (1791). Bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ nêu rõ: “Chúng ta coi những chân lý sau đây là hiển nhiên: Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền bất khả xâm phạm, đó là quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để bảo đảm những quyền này, người ta lập ra những chính phủ nắm quyền lực chính đáng do sự đồng ý của những người bị trị; khi một hình thức cai trị nào đó tỏ ra làm thiệt hại đến những mục đích đó, thì nhân dân có quyền thay đổi hình thức đó hay bãi bỏ nó đi và lập ra chính phủ mới và đặt cơ sở của nó trên những nguyên tắc tổ chức quyền lực của nó dưới hình thức mà họ thấy là thích hợp nhất để bảo đảm an ninh và hạnh phúc của họ”(4).

    Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Vận dụng tinh thần cơ bản của hai bản Tuyên ngôn nói trên, Hồ Chí Minh đã xác định cơ sở pháp lý cho quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Người khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(5). Việc đề cao tư tưởng nhân quyền và dân quyền như trên chính là để khẳng định: mục tiêu của Cách mạng Việt Nam hoàn toàn phù hợp với khuôn khổ pháp lý quốc tế, với “lẽ phải” thông thường và là điều “không ai có thể chối cãi được”. Việc trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp cũng là để khẳng định giá trị của Cách mạng Tháng Tám, khẳng định bản chất của chế độ xã hội mới do cách mạng tạo dựng nên. Đó là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, nhân dân, vì nhân quyền và dân quyền - một cuộc cách mạng đã tạo ra những bằng chứng lịch sử sinh động cho thấy sự tráo trở, lật lọng của bọn đế quốc, những kẻ bất nhân, bất nghĩa, bất nhất giữa lời nói và việc làm.

    Trong phần cuối, bản Tuyên ngôn khẳng định quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam, được hưởng nền độc lập do tự mình giành lấy từ tay Nhật: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!”(6).

    Bản Tuyên ngôn đồng thời khẳng định ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ban bố một loạt chính sách để thực thi các quyền tự do, dân chủ đã nêu trong Tuyên ngôn. Việc tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa 1 và Hiến Pháp(7) đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là sự cụ thể hóa vấn đề nhân quyền, dân quyền đã từng được nhắc tới trong Tuyên ngôn độc lập.

    Phần nói về Chính thể, Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo (Điều 1). Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: Chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều 6). Công dân Việt Nam đều được bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình (Điều 7). Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện (Điều 9). Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú đi lại trong nước và nước ngoài (Điều 10). Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam, không ai được xâm phạm một cách trái luật (Điều 11). Quyền tư hữu của công dân Việt Nam được bảo đảm (Điều 13). Công dân già cả hoặc tàng tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ em được chăm sóc về mặt giáo dưỡng (Điều 14). Nền sơ học cưỡng bức và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước (Điều 15). Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu (Điều 17). Tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất quyền công dân. Người ứng cử phải là những người có quyền bầu cử (Điều 18). Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mà mình đã bầu ra (Điều 20). Người dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia (Điều 21).

    Đã 68 năm trôi qua kể từ ngày bản Tuyên ngôn độc lập ra đời, thời thế và khung cảnh đất nước trong khoảng thời gian trên nửa thế kỷ ấy đã có nhiều đổi thay. Bản Hiến pháp năm 1946 của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã được điều chỉnh vào các năm 1959, 1980, 1992 và phần nào đó vào năm 2001, nay lại đang được nghiên cứu, tham khảo ý kiến của toàn dân để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới. Đó cũng chính là giá trị đích thực của Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 02-9-1945.

(1) Ngày 30-8-1945 sau khi mời một số người đến trao đổi, góp ý kiến cho bản thảo Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch nói: Trong đời Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy… Theo Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử tập 2, 1930-1945. Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2006, tr.287.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.2, Nxb Sự thật, H,1995, tr.268.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (1998) Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, Nxb Chính trị Quốc gia,
H, tr.18.
(4) Shingo Shibata: Ý nghĩa hiện đại của Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ “Quyền sống và vấn đề tự do”. Quang Viễn dịch từ tiếng Nhật, trong Thế giới bàn về Việt Nam, sưu tập chuyên đề, tập II, Viện Thông tin KHXH, H, 1976.
(5) Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn độc lập. Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản. Nxb Sự thật, H, 1976, tr.82-83.
(6) Như trên, tr.85.
(7) Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 9-11-1946.

GS, TS Nguyễn Ngọc Cơ
(Khoa Lịch sử, Trường Đại học sư phạm Hà Nội)
 

;
.