Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Nam Định họp Phiên thứ 9

Thứ Sáu, 27/12/2024, 20:00 [GMT+7]
    Ngày 24/12/2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Nam Định (Ban Chỉ đạo tỉnh) vừa tổ chức Phiên họp thứ 9 dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh để đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; cho ý kiến đối với Chương trình công tác năm 2025, Quy chế làm việc, Phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.
 
    Theo báo cáo tại Phiên họp, năm 2024 công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, đạt nhiều kết quả toàn diện; được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ. 
 
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
    Trong năm, Ban Chỉ đạo đã tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Trong đó, triển khai thực hiện nghiêm các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện nghiêm chế độ làm việc theo Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022, Quy định số 199-QĐ/TW ngày 20/11/2024 của Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo tỉnh. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ban hành Quyết định số 1309-QĐ/TU, ngày 11/12/2024 kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh; bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đã tiến hành 04 phiên họp, Thường trực Ban Chỉ đạo tiến hành 07 cuộc họp. 
 
    Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm tra đối với 04 tổ chức đảng, 05 đảng viên; giám sát 14 tổ chức đảng, 12 đảng viên; Ban Chỉ đạo đã kiểm tra đối với 04 tổ chức đảng; thực hiện việc rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thanh tra tỉnh đã tiến hành các cuộc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong công tác xác minh, điều tra, xử lý đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là 09 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, đã kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 05 vụ án do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật. 
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Tham mưu tổ chức thành công Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và cơ quan thông tin, tuyên truyền.
 
    Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2024.
 
    Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu: Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; bám sát 02 nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Hội nghị Trung ương 10 đã xác định, đó là tăng tốc, bứt phá để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra và chuẩn bị thật tốt để tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng.
 
    Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vừa không làm ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí quan trọng như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về phòng, chống lãng phí do đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu. Thực hiện tốt các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các lĩnh vực. 
 
    Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành việc làm tự giác, tự nguyện; khuyến khích cán bộ, đảng viên, Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tài sản, nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân. Tập trung tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xử lý hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc; nhất là các trường hợp có liên quan đến công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp (nếu có), kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 
 
    Các cơ quan chức năng thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý các vụ án, vụ việc kịp thời, chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”. Nhận diện, xử lý kịp thời các vi phạm từ sớm, không để tích tụ thành các vi phạm, sai phạm lớn. Việc xử lý bảo đảm nghiêm minh, nhân văn; bảo đảm tính răn đe để “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thật sự gương mẫu, trong sạch, liêm chính, có bản lĩnh, có trình độ kiến thức đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở phải tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ theo phương châm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ; duy trì, tổ chức nghiêm các Phiên họp Ban Chỉ đạo, Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo; hoàn thành tốt Chương trình công tác năm 2025 mà Ban Chỉ đạo đã đề ra.
Đoàn Thị Trung Thủy
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Nam Định)
.