Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 tại thành phố Hà Nội

Thứ Hai, 23/12/2013, 15:26 [GMT+7]
Ngày 20-12, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sau nhiều năm thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 8,43% (năm 2009) xuống còn 3,55% (năm 2013). Thành phố đã triển khai 13 chính sách, trong đó có ba chính sách đặc thù gồm tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vay bò sinh sản, trợ cấp cho người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1.120 tỷ đồng, tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi gần 1.450 tỷ đồng. Thành phố chuyển từ hình thức cấp - phát, xin - cho sang thực hiện chính sách hỗ trợ và cho vay với lãi suất ưu đãi, giúp các hộ nghèo có vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, tự vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, thành phố còn có chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, cuộc sống của người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đạt 9,5 triệu đồng/người/năm. Người dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xã hội. Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
Tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội kiến nghị với Quốc hội một số vấn đề cụ thể như bỏ điều kiện "hộ nghèo" đối với người cao tuổi cô đơn có nguyện vọng được vào sống tại cơ sở bảo trợ xã hội được quy định trong Luật người cao tuổi, bởi trên thực tế, có một số người cao tuổi không nơi nương tựa, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng được vào sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhưng họ không thuộc hộ nghèo.
                                                                                                    Lương Thủy
;
.