Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền trình sáng kiến luật của đại biểu Quốc hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013

Thứ Sáu, 20/12/2013, 14:43 [GMT+7]
Ngày 18-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo chuyên đề nghiên cứu “Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền trình sáng kiến luật của đại biểu Quốc hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013”.
Theo Báo cáo của nhóm nghiên cứu, nhìn chung các quy định của pháp luật hiện hành về quyền trình sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội còn thiếu, chất lượng và hiệu quả chưa cao; số lượng đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật còn quá ít và chưa có đại biểu nào thực hiện thành công quyền trình sáng kiến pháp luật. 
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày những kinh nghiệm của quốc tế và giải pháp tháo gỡ để quyền trình sáng kiến của đại biểu Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp được thực thi. Trong đó cần sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 để tạo cơ sở pháp lý cho đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình sáng kiến luật.
Ngày 28-11-2013, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Ngày 08-12-2013 Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Hiến pháp sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2014.
Quốc hội đã có Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, trong đó đã quy định Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan tổ chức hữu quan khác có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nội dung của Hiến pháp, bảo đảm cho Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong mọi tầng lớp nhân dân và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
                                                                                        Lương Thủy
;
.