Công tác phát hiện và xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thực trạng và giải pháp

Thứ Năm, 02/02/2017, 06:06 [GMT+7]
    Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21-82006 của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), công tác PCTN, lãng phí của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả tích cực. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền; tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong PCTN, lãng phí ngày càng được nâng lên; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về PCTN, lãng phí được tăng cường; các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng; vai trò trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, báo chí và nhân dân được phát huy; các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN tiếp tục củng cố, kiện toàn; các vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật và được dư luận xã hội đồng tình. Những kết quả đó góp phần tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội của địa phương. Cụ thể:
 
    - Công tác phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị, địa phương
 
    Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến công tác tự kiểm tra nội bộ nhằm phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng và các sai phạm về kinh tế. Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác PCTN. Thông qua công tác tự kiểm tra của các cơ quan, đơn vị đã phát hiện 06 vụ việc sai phạm về quản lý tài chính, quản lý quỹ hội; làm trái quy định trong công tác quản lý đất đai, thi đua khen thưởng. Đã xử lý kỷ luật 06 đảng viên vi phạm, trong đó khiển trách 03; cảnh cáo 03.
 
    - Phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng
 
    Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã chủ động thực hiện việc giám sát thường xuyên các tổ chức đảng và đảng viên theo phân cấp quản lý; kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần tích cực phòng ngừa, phát hiện và khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót, đồng thời xem xét, xử lý nghiêm minh các trường hợp đảng viên vi phạm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện. Các cấp ủy đảng đã xử lý 58 đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế, trong đó xử lý kỷ luật: Khiển trách 23 trường hợp, cảnh cáo 20 trường hợp, cách chức 04 trường hợp, khai trừ đảng 11 trường hợp. Số tiền kiến nghị thu hồi hơn 1,863 tỷ đồng; đã thu hồi hơn 1,548 tỷ đồng (đạt 83,1%). Chuyển Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự 03 vụ.
 
    - Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội
 
    Hội đồng nhân dân các cấp đã chú trọng giám sát các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách, thu thuế, phí và lệ phí…; giám sát thông qua xem xét báo cáo công tác của Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp được tiến hành dân chủ, công khai, trách nhiệm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã quan tâm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho hội viên; giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN, lãng phí; phối hợp thực hiện các chương trình giám sát trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội giúp phòng ngừa tham nhũng; vận động người dân tham gia phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giúp phát huy tốt hơn vai trò giám sát của xã hội ở cơ sở, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
 
    - Phát hiện tham nhũng thông qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo
 
    Toàn ngành Thanh tra tiến hành 641 cuộc thanh tra, trong đó có 260 cuộc thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi hơn 68,676 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 65 người. Đã thu hồi hơn 55,034 tỷ đồng (đạt 80,1%); đã xử lý 53 người vi phạm. Cơ quan Thanh tra chuyển Cơ quan điều tra khởi tố điều tra 02 vụ/04 đối tượng, thu hồi nộp ngân sách hơn 200 triệu đồng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện 01 vụ việc tham nhũng, chuyển Cơ quan điều tra khởi tố 01 vụ/01 đối tượng; thu hồi nộp ngân sách 40,6 triệu đồng.
 
    - Công tác điều tra, truy tố, xét xử
 
    Cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra 27 vụ/49 bị can; kết luận điều tra đề nghị truy tố 23 vụ/45 bị can. Tổng số tài sản tham nhũng được phát hiện qua hoạt động điều tra hơn 31,016 tỷ đồng và 10.000m2 đất; số tiền đã thu hồi hơn 3,045 tỷ đồng (đạt 9,8%) và 10.000m2  đất (đạt 100%). Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã truy tố 25 vụ/50 bị can; Tòa án nhân dân hai cấp xét xử sơ thẩm 23 vụ/45 bị cáo về các tội danh tham nhũng.
 
    - Thu hồi tài sản tham nhũng
 
    Các cơ quan thi hành án dân sự tiếp nhận 21 bản án, ban hành 117 quyết định thi hành án, với tổng số tiền phải thi hành hơn 5,700 tỷ đồng. Kết quả đã thi hành được hơn 722 triệu đồng (đạt 12,6%); chưa thi hành án hơn 4,978 tỷ đồng.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN còn những hạn chế: Việc thực hiện các giải pháp PCTN ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao; công tác tự phát hiện tham nhũng, sai phạm, tội phạm kinh tế trong nội bộ cấp ủy, cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo còn ít; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp... 
 
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN công bố kết quả kiểm tra, giám sát xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế tại tỉnh Thái Nguyên
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN công bố kết quả kiểm tra, giám sát xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế tại tỉnh Thái Nguyên
    Để tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN; nhất là cụ thể hóa cơ chế cấp ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN; đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 20162020” với nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
 
    Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng
 
    Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng. Kết quả công tác PCTN là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện.
 
    Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng
 
    Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng thông qua việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra đảng các cấp; công tác thanh tra; kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; công tác tiếp nhận, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
 
    Ba là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng
 
    Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; thực hiện tốt các quy chế phối hợp trong công tác nội chính và PCTN, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, hạn chế việc gia hạn thời hạn điều tra, truy tố. Các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy trong việc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án tham nhũng mà các cơ quan tố tụng không thống nhất quan điểm xử lý; các vụ việc, vụ án mà Trung ương yêu cầu Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết; các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý.
 
    Bốn là, nâng cao chất lượng và củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng
 
    Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Nội chính Tỉnh ủy để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính và PCTN. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác PCTN cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác chống tham nhũng.
 
    Năm là, tăng cường tuyên truyền và phát huy vai trò của cơ quan thông tin đại chúng trong phát hiện tham nhũng
 
    Các cơ quan thông tin đại chúng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về công tác PCTN; khuyến khích và có các hình thức phù hợp để người dân phản ánh, tố giác tham nhũng với các cơ quan thông tin; công khai kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; những vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và kết quả xử lý vi phạm đó. Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.
 
    Sáu là, tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong PCTN
 
    Đẩy mạnh hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Phát huy vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đặng Xuân Trường
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên)
;
.