Kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2016 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Ninh Thuận

Chủ Nhật, 22/01/2017, 07:45 [GMT+7]
    Năm 2016, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Ninh Thuận đã đề ra Chương trình trọng tâm số 02-CTr/BCĐ ngày 14-3-2016 về công tác tư pháp năm 2016; chỉ đạo tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 11-CT/TU ngày 12-4-2016 tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác tổ chức triển khai, quán triệt, thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; phổ biến chuyên sâu các luật, bộ luật liên quan đến hoạt động tư pháp; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 
 
    Công tác điều tra, truy tố, xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong hạn luật định và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Về thi hành án hình sự, Tòa án nhân dân hai cấp ra quyết định thi hành án kịp thời, đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp nào bỏ sót dẫn đến hết hiệu lực thi hành; việc ủy thác thi hành án, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án đều thực hiện đúng theo Nghị quyết 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong năm đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 100% trường hợp. Về kết quả thi hành án dân sự, tổng số thụ lý là 4.901 việc, tổng số thụ lý về tiền là 361 tỷ 508 triệu đồng; trong số việc có điều kiện, đã thi hành xong 3.381 việc, đạt 79,7%; trong số tiền có điều kiện thi hành, đã giải quyết xong 66 tỷ 308 triệu đồng, đạt 38,6%. 
 
    Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quan tâm thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để tồn đọng, kéo dài. 
 
    Sau bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, phiên họp đầu tiên đã bầu 30 Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, 141 Hội thẩm Tòa án nhân dân các huyện, thành phố. Các Hội thẩm nhân dân đã được tập huấn nghiệp vụ năm 2016.
 
    100% Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được kiện toàn. Toàn tỉnh đã củng cố, kiện toàn 402 Tổ hoà giải với 2.708 hoà giải viên; các tổ hòa giải và hòa giải viên hoạt động khá nền nếp, hiệu quả, nhất là ở cơ sở. Ngoài ra, còn xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức khác như: Tổ nhân dân tự quản, Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý...
 
    Hội đồng nhân dân các cấp đã tiến hành thẩm tra, giám sát các hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Thi hành án dân sự các cấp; giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, quản lý, giam giữ, cải tạo, thực hiện chế độ chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù giam; giám sát công tác công chứng, chứng thực và hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân hai cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
 
    Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 09 tháng, thông qua giao ban công tác nội chính hoặc đột xuất, Thường trực Tỉnh ủy nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, sự phối hợp hoạt động của các ngành tư pháp và những vấn đề cần quan tâm để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo tập trung thống nhất, chặt chẽ, toàn diện các loại vụ án theo Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ chính trị đảm bảo đúng quy định của pháp luật và các quy định của Đảng. 
 
    Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh được kiện toàn sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Phó Trưởng Ban thường trực, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban, Ban đã chỉ đạo chặt chẽ kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan thi hành án dân sự, kiểm tra công tác lãnh, chỉ đạo và kết quả xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố. Bên cạnh việc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện kết luận 95-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, Ban Chỉ đạo thực hiện tốt việc quán triệt Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn 01-HD/TW của Ban Bí thư. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh họp nghe các cơ quan tư pháp báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp, chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Do vậy, công tác cải cách tư pháp được chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, đáp ứng yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW.
Trịnh Hữu Thuyết 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Thuận)
;
.