10 sự kiện quốc tế chống tham nhũng nổi bật năm 2023

Chủ Nhật, 18/02/2024, 04:29 [GMT+7]
    Năm 2023 tiếp tục là thời gian ghi nhận những nỗ lực chống tham nhũng không mệt mỏi của các quốc gia trên toàn thế giới. Dưới đây là 10 sự kiện, vấn đề quốc tế chống tham nhũng nổi bật của năm qua.
 
1. Dấu mốc 20 năm Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng
 
    Cách đây 20 năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về chống tham nhũng (UNCAC). Đây là văn kiện quốc tế đầu tiên có hiệu lực đối với các thành viên ở phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Tính đến ngày 10/10/2023, Công ước đã có 190 thành viên.
 
Ảnh: UNODC
Ảnh: UNODC
    Theo đánh giá của Liên hợp quốc, thế giới ngày nay phải đối mặt với một số thách thức lớn nhất trong nhiều thế hệ, đe dọa sự thịnh vượng và ổn định của người dân trên toàn cầu.
 
    Hầu hết những thách thức đó đều có liên quan đến nạn tham nhũng.
 
    Cũng theo Liên hợp quốc, ngăn chặn tham nhũng, thúc đẩy tính minh bạch và củng cố các thể chế có vai trò rất quan trọng nếu các nước muốn đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
 
    Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng 9/12 năm 2023 với chủ đề "Đoàn kết thế giới phòng, chống tham nhũng", Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tham nhũng và những hậu quả sâu rộng của nó bằng cách huy động các cá nhân, chính phủ và tổ chức cùng tham gia.
 
    2. Hội nghị toàn cầu đầu tiên về đo lường tham nhũng
 
    Năm 2023, hội nghị toàn cầu đầu tiên về khai thác dữ liệu để cải thiện việc đo lường tham nhũng đã được tổ chức tại Vienna (Áo), trong 2 ngày 31/8 và 1/9.
 
    Theo lãnh đạo Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), đo lường tham nhũng không phải là việc dễ dàng, có thể dẫn tới một bức tranh tham nhũng không đầy đủ hoặc bị bóp méo.
 
     Hội nghị Toàn cầu về khai thác dữ liệu để cải thiện việc đo lường tham nhũng. Ảnh: IACA
Hội nghị Toàn cầu về khai thác dữ liệu để cải thiện việc đo lường tham nhũng. Ảnh: IACA
    Bởi vậy, việc phát triển một cách tiếp cận chung để đo lường tham nhũng có thể mang lại sự rõ ràng cần thiết, giúp xác định nguyên nhân, hậu quả và xu hướng, xác định những lỗ hổng và điểm yếu, giám sát cũng như đánh giá hiệu quả của các chính sách chống tham nhũng; và quan trọng nhất là đánh giá tiến độ.
 
    Cùng với khuôn khổ pháp lý đầy đủ và các thể chế mạnh mẽ hiện có, điều này sẽ cho phép phản ứng mạnh mẽ hơn và đóng vai trò là bàn đạp cho những nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
 
    3. Khép lại 3 năm đại dịch, mở ra nhiều cuộc điều tra
 
    Năm 2023 khép lại 3 năm đại dịch COVID-19 hoành hành khi Tổ chức Y tế Thế giới ngày 5/5 tuyên bố: "Đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". Thế nhưng, đây cũng là thời gian nhiều cuộc điều tra tham nhũng trong đại dịch được mở ra.
 
    Lợi dụng tình hình khẩn cấp trong đại dịch, nhiều quan chức đã nuôi trong mình "virus tham lam", thu lợi cá nhân bằng nhiều phương thức như thổi giá dụng cụ y tế, trục lợi tiền cứu trợ, nhận hối lộ, bòn rút ngân sách nhà nước, bất chấp tính mạng người dân.
 
 Ảnh: Getty
Ảnh: Getty
    Tại Romania, ngày 23/11, các công tố viên chống tham nhũng đã đề nghị Quốc hội và Tổng thống cho phép điều tra hình sự đối với cựu Thủ tướng Florin Citu và 2 cựu bộ trưởng vì nghi ngờ lạm dụng chức vụ liên quan đến việc mua vắc xin ngừa COVID-19.
 
    Tại Mỹ, năm qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã thu hồi thành công hàng tỷ USD tiền bị đánh cắp từ các chương trình cứu trợ COVID-19. Đây là kết quả của chiến dịch quy mô trên toàn nước Mỹ nhằm chống tội phạm gian lận liên quan đến đại dịch.
 
    Sau cuộc chiến chống COVID-19, giới chức Trung Quốc cũng đã tăng cường nỗ lực chống tham nhũng trong ngành Y. Hàng trăm giám đốc và bí thư đảng ủy tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc đã bị cơ quan chống tham nhũng điều tra, nhiều người bị sa thải, kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
 
    4. Chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng ở nhiều quốc gia
 
    Năm qua tiếp tục là thời gian ghi nhận những nỗ lực chống tham nhũng không mệt mỏi của các quốc gia trên toàn thế giới.
 
    Đơn cử, tại Trung Quốc, nhà lãnh đạo nước này đã duy trì lập trường mạnh mẽ về chống tham nhũng, những nỗ lực liên quan đã và đang được thực hiện một cách có hệ thống hơn và đạt được phạm vi rộng hơn, tập trung vào một số khu vực then chốt như tài chính, y tế, tư pháp...
 
 Năm 2023, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc tiếp tục được triển khai sâu rộng. Ảnh minh họa: SCMP
Năm 2023, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc tiếp tục được triển khai sâu rộng. Ảnh minh họa: SCMP
    Năm 2023, Mỹ cũng thực hiện nhiều hành động để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những kẻ tham nhũng trên toàn thế giới, với các quyết định trừng phạt hạn chế sự nhập cảnh của những người nước ngoài có liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng cũng như các thành viên gia đình của họ.
 
    Hay tại Ukraine, dưới áp lực phải tăng cường chống tham nhũng nhằm đáp ứng yêu cầu trong tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cũng như có được viện trợ quan trọng giữa bối cảnh đất nước có xung đột, lãnh đạo nước này đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng trong nhiều lĩnh vực quan trọng, từ quốc phòng, tòa án cho tới các doanh nhân, "đầu sỏ chính trị".
 
    5. Nghị viện Châu Âu sau "bão" Qatargate
 
    Dư chấn của cơn bão "Qatargate" - bê bối tham nhũng hối lộ xảy ra tại Nghị viện châu Âu (EP) để lại khá nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cơ quan lập pháp EU. Theo các cuộc khảo sát mới nhất, 60% người châu Âu không hài lòng về cách EU đối phó với tham nhũng.
 
    Năm 2023, ngoài việc mở rộng điều tra những người liên quan, EU đã đề xuất các quy tắc mạnh mẽ hơn chống tham nhũng, với lộ trình có thể ban hành trước cuộc bầu cử Nghị viện EU được ấn định từ ngày 6-9/6/2024.
 
Ảnh: REUTERS/Johanna Geron
Ảnh: REUTERS/Johanna Geron
    Đáng chú ý trong đó là đề xuất thành lập một cơ quan đạo đức mới để thiết lập các tiêu chuẩn ứng xử trên khắp các tổ chức EU. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một cơ quan đạo đức là chưa đủ, vì sẽ không có bất kỳ quyền hạn điều tra nào, ví như “con hổ không răng” thì khó có thể xử lý tham nhũng. EU cần một cơ quan độc lập, có phương tiện kiểm soát thực sự để ngăn chặn những vụ bê bối mới.
 
    6. Điều tra tham nhũng: Đương kim tổng thống, thủ tướng cũng không ngoại lệ
 
    Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ là cách mà nhiều quốc gia đang thực hiện. Năm qua, nhiều đương kim tổng thống, thủ tướng, đệ nhất phu nhân bị cáo buộc tham nhũng, là đối tượng của các cuộc điều tra.
 
    Tại Hàn Quốc, ngày 28/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua đề xuất điều tra đặc biệt, trong đó, Đệ nhất Phu nhân Kim Keon Hee bị cáo buộc liên quan đến việc thao túng giá cổ phiếu.
 
Thủ tướng Slovenia Robert Golob. Ảnh: Anadolu Ajansı
Thủ tướng Slovenia Robert Golob. Ảnh: Anadolu Ajansı
    Tại Israel, Thủ tướng 6 nhiệm kỳ Benjamin Netanyahu vẫn đang bị xét xử với các cáo buộc lừa đảo, nhận hối lộ và vi phạm lòng tin của công chúng. Phiên tòa tiếp theo mà ông phải đối mặt sẽ tiếp tục vào tháng 2 năm nay.
 
    Hay tại Slovenia, tháng 11/2023, Ủy ban Chống tham nhũng nước này đã mở cuộc điều tra sơ bộ đối với đương kim Thủ tướng Robert Golob về cáo buộc vi phạm tính liêm chính, gây áp lực lên lãnh đạo và nhân viên Bộ Nội vụ một cách trái phép.
 
    Cũng trong tháng 11/2023, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã từ chức vì cuộc điều tra tham nhũng về cáo buộc tham nhũng liên quan việc xử lý các dự án lithium và hydro.
 
    Tháng 3/2023, các công tố viên Peru cho biết, đang điều tra đương kim Tổng thống Dina Boluarte và cựu Tổng thống Pedro Castillo vì cáo buộc rửa tiền.
 
    Trước đó, hồi tháng 2/2023, cơ quan chống tham nhũng của Jamaica đã đưa vụ việc liên quan Thủ tướng Andrew Holness tới bộ phận khởi tố tham nhũng để xem xét, sau khi có kết luận cho rằng, ông Holness có thể đã gây ảnh hưởng trong việc trao các hợp đồng của Chính phủ khi còn là Bộ trưởng Giáo dục.
 
    7. Nhiều quan chức chống tham nhũng bị bắt vì... tham nhũng
 
     Chống tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng là công tác quan trọng. Năm qua cũng ghi nhận nhiều trường hợp quan chức chống tham nhũng bị mất chức, bắt giữ, điều tra vì nhúng chàm.
 
    Tại Indonesia, lần đầu tiên, một "tư lệnh" cơ quan chống tham nhũng bị điều tra về cáo buộc tham nhũng và phải nhận quyết định đình chỉ chức vụ. Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia ngày 27/11 đã có lãnh đạo mới.
 
 Tòa nhà Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/Bay Ismoyo
Tòa nhà Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/Bay Ismoyo
    Hay tại Thái Lan, tháng 2/2023, một cựu quan chức của Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia bị kết án vì tội che giấu tài sản trong bản kê khai khi đảm nhận chức vụ.
 
    Cũng trong tháng 2/2023, Malawi đình chỉ lãnh đạo Cục Chống tham nhũng, bà Martha Chizuma. Nữ “tư lệnh” này phải đối mặt với cáo buộc liên quan đến vụ tiết lộ thông tin mật về cuộc điều tra đối với một doanh nhân tại Vương quốc Anh bị buộc tội hối lộ các quan chức hàng đầu của Malawi, bao gồm cả Phó Tổng thống Saulos Chilima.
 
    8. Thu hồi tài sản tham nhũng được chú trọng
 
     Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc, tham nhũng làm cạn kiệt hơn 5% GDP toàn cầu. Trong số khoảng 13 nghìn tỷ USD chi tiêu công, có tới 25% bị thất thoát do tham nhũng.
 
    Bởi thế, công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng được lãnh đạo nhiều quốc gia quan tâm.
 
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani đứng cạnh lượng tiền mặt rất lớn thu hồi được trong số 2,5 tỷ USD công quỹ bị thất thoát trong
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani đứng cạnh lượng tiền mặt rất lớn thu hồi được trong số 2,5 tỷ USD công quỹ bị thất thoát trong "vụ trộm cắp của thế kỷ". Ảnh: AFP
    Cuối tháng 12/2023, trong một thông báo quan trọng, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tiết lộ, nước này đã thu hồi thành công tài sản, bất động sản... trị giá 30 tỷ USD, nhấn mạnh những nỗ lực vượt bậc của quốc gia Bắc Phi nhằm khôi phục tài sản nhà nước và chống lại tội phạm tài chính.
 
    Trong "vụ trộm cắp của thế kỷ” của Iraq khiến 2,5 tỷ USD công quỹ bị thất thoát, Ủy ban Liêm chính Liên bang đã nỗ lực thu hồi tiền, vàng, và các giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với bất động sản cả trong nước cũng như nước ngoài. Số tiền được hồi hương dù rất lớn nhưng vẫn chưa “là gì” so với con số thất thoát.
 
    Nhằm tăng cường công tác thu hồi tài sản, hồi tháng 4, Quốc hội Venezuela đã thông qua luật cho phép Chính phủ tịch thu hồi sản liên quan đến các vụ án tham nhũng. Theo luật, Chính phủ sẽ bán những tài sản này để sử dụng cho dịch vụ công, cơ sở hạ tầng và các chương trình xã hội.
 
    9. Các cuộc biểu tình phản đối tham nhũng
 
    Tham nhũng làm giảm lòng tin của người dân vào Chính phủ, là nguyên nhân dẫn tới nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn trên các quốc gia.
Tháng 12/2023, hàng nghìn người Slovakia đã biểu tình trên khắp đất nước phản đối kế hoạch cải cách của Chính phủ mới, bao gồm việc giải thể Văn phòng Công tố đặc biệt chống tham nhũng, vốn đã hoạt động trong 2 thập kỷ để chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.
 
    Đông đảo người dân Israel đã tham gia vào các cuộc biểu tình "chưa từng có" kéo dài nhiều tháng liên tiếp vì cho rằng, cuộc cải cách tư pháp của Chính phủ, đặc biệt là việc thông qua dự luật hạn chế một số quyền lực của Tòa án Tối cao sẽ giảm vai trò giám sát ngăn ngừa tham nhũng và lạm dụng quyền lực ở Israel.
 
Biểu tình phản đối giải thể Văn phòng Công tố đặc biệt, tại Slovakia, ngày 12/12/2023. Ảnh: REUTERS/Radovan Stoklasa
Biểu tình phản đối giải thể Văn phòng Công tố đặc biệt, tại Slovakia, ngày 12/12/2023. Ảnh: REUTERS/Radovan Stoklasa
    Tại Albania, hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập đã tập trung trước Văn phòng Thủ tướng Albania hồi tháng 2 để phản đối Chính phủ tham nhũng và thực trạng chi phí sinh hoạt cao là nguyên nhân buộc người dân phải rời khỏi đất nước.
 
    10. Những lời hứa chống tham nhũng
 
    Năm qua, cam kết chống tham nhũng đã là một phần không thể thiếu của những lời tuyên thệ nhậm chức của lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ; cũng là trọng tâm của nhiều chương trình nghị sự, chiến dịch tranh cử...
 
    Tại Guatemala, việc tập trung vào mục tiêu chống tham nhũng khiến ông Bernard Arévalo trở nên khác biệt so với các ứng cử viên còn lại và đưa ông tới thành công, giành được đa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 8.
 
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra thông điệp nhân dịp Quốc khánh Singapore (9/8/2023). Nguồn ảnh: CNA
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra thông điệp nhân dịp Quốc khánh Singapore (9/8/2023). Nguồn ảnh: CNA
    Nhiều lãnh đạo quốc gia năm qua đã khẳng định quyết tâm chống tham nhũng. Trong một sự kiện đầu năm 2023, ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục thực thi sự quản lý chặt chẽ và đầy đủ trong Đảng và tuyên bố không khoan nhượng đối với tham nhũng.
 
    Với Mông Cổ, năm 2023 được nhấn mạnh là "năm chống tham nhũng". Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene đã chỉ thị cho tất cả quan chức liên quan đảm bảo thực hiện các biện pháp chống tham nhũng và hỗ trợ toàn diện trong cuộc chiến chống tham nhũng.
 
    Trong thông điệp nhân dịp Quốc khánh Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng không quên nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ giữ cho hệ thống không có tham nhũng và hành vi sai trái. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, đây là cách để gìn giữ, bảo vệ và củng cố niềm tin của người dân.
Theo thanhtra.com.vn 
.