Kiểm tra, đôn đốc việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và khảo sát, nắm tình hình phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Quảng Ninh

Thứ Ba, 08/09/2015, 09:10 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 07-9-2015, Đoàn công tác số 2 của Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía Tỉnh ủy Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc khối nội chính tỉnh.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác tập trung kiểm tra, đôn đốc việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội từ năm 2011-2014 theo Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương và khảo sát, nắm tình hình phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại tỉnh Quảng Ninh.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Thực hiện Hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, lập Đoàn rà soát; tiến hành rà soát tại các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành thuộc tỉnh. Ngành thanh tra tỉnh đã theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra, nhất là sau đợt kiểm tra, giám sát của Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, việc thực hiện các kết luận thanh tra có chuyển biến rõ nét, chất lượng các cuộc thanh tra được nâng lên; các kết luận thanh tra đã chỉ rõ những tồn tại, thiếu sót, sai phạm; có tiếp thu ý kiến giải trình của các đối tượng thanh tra, bảo đảm các kết luận thanh tra khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Từ năm 2011 đến năm 2014, ngành Thanh tra toàn tỉnh đã thực hiện 399 cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội; đã ban hành 399/399 kết luận thanh tra (72 kết luận của Thanh tra tỉnh; 255 kết luận của Thanh tra cấp huyện; 72 kết luận của Thanh tra các sở, ngành). Qua thanh tra, phát hiện sai phạm số tiền hơn 225,3 tỷ đồng; sai phạm về đất hơn 3,4 triệu m2; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 86,4 tỷ đồng; thu hồi hơn 3,4 triệu m2 đất; kiến nghị khác (giảm trừ và loại ra khỏi giá trị quyết toán; thi công lại, trả lại cho công dân; hoàn thiện thủ tục quyết toán chi; sử dụng sai nguồn vốn...) hơn 138,8 tỷ đồng. Phát hiện và chuyển Cơ quan điều tra 04 vụ việc có dấu hiệu phạm tội (trong đó, 03 vụ việc được phát hiện qua công tác thanh tra và 01 vụ việc trong quá trình xác minh đã phát hiện dấu hiệu tội phạm, vụ việc này không nằm trong danh sách các cuộc thanh tra).

Kết quả thực hiện đã thu hồi về ngân sách 65,7/86,4 tỷ đồng phải thu hồi (đạt 76,12%) và thu hồi 990.990 m2 đất/3,4 triệu m2 đất (đạt 28,62%); thực hiện các kiến nghị khác với số tiền 76,7/138,8 tỷ đồng phải xử lý (đạt 55,28%); xử lý kỷ luật 106 cán bộ; cảnh cáo 01 tổ chức; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 393 tổ chức và 643 cá nhân. Cơ quan có thẩm quyền đã xét xử 02 vụ/08 bị cáo; đình chỉ điều tra 01 vụ ở huyện Vân Đồn.

Đối với các kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ: Ủy ban nhân dân tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện xử lý thu hồi vào ngân sách nhà nước; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm; yêu cầu các ngành tiến hành kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác tham mưu, quản lý; khẩn trương triển khai thực hiện dứt điểm các nội dung kiến nghị sau thanh tra.

Đối với các kết luận và kiến nghị của thanh tra bộ, ngành: Kiến nghị thu hồi hơn 2 tỷ đồng, đã thực hiện hơn 1,4 tỷ đồng (đạt 69,66%); kiến nghị xử lý khác về kinh tế hơn 20,9 tỷ đồng, đã thực hiện hơn 20,9 tỷ đồng (đạt 100%); kiến nghị xử lý hành chính 04 cá nhân, đã xử lý bằng hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, một số đoàn thanh tra còn chậm ban hành kết luận; trong kết luận thanh tra chưa chỉ rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận chưa thường xuyên, kịp thời; một số trường hợp, việc kiến nghị xử lý vi phạm chưa rõ trách nhiệm cá nhân; số vụ việc có dấu hiệu của tội phạm chuyển Cơ quan điều tra còn ít…

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc

Về đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN qua 03 năm hoạt động, Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận thấy: Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; có nhiều chỉ đạo quan trọng, sâu sát, mang tính định hướng chiến lược cho công tác PCTN nói chung, cho cấp ủy địa phương nói riêng; trong đó, tập trung xác định, lựa chọn những vấn đề trọng tâm cần chỉ đạo như: Tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN; kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương, nhất là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; qua đó, nắm chắc tình hình, đôn đốc, uốn nắn việc thực hiện, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của địa phương trong phát hiện, xử lý tham nhũng; quan tâm chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong đấu tranh PCTN; chấn chỉnh công tác giám định tư pháp; vấn đề cho hưởng án treo; kiện toàn tổ chức Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; chỉ đạo địa phương tiến hành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2014. Hoạt động tích cực, hiệu quả của Ban Chỉ đạo đã giúp công tác PCTN có những chuyển biến tích cực theo hướng nêu cao vai trò của cấp ủy; từng bước hoàn thiện cơ chế, thể chế, minh bạch hóa tài sản, thu nhập; việc áp dụng hình phạt không tương xứng với hành vi phạm tội (cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cho hưởng án treo...) trong các vụ án tham nhũng giảm nhiều so với những năm trước.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành và của tỉnh; chỉ đạo ngành Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, phức tạp, xã hội và dư luận quan tâm như: Quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; bảo hiểm xã hội; các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; quản lý đầu tư; dự án, công trình lớn; xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; trái phiếu Chính phủ;… tiến hành rà soát lại bộ máy thanh tra; theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kịp thời phát hiện những sai phạm, tồn tại, hạn chế, bất cập về cơ chế chính sách để kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, hoàn thiện thể chế trên một số lĩnh vực và kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm; góp phần chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, đã có nhiều ý kiến tập trung phân tích, làm rõ những kết quả mà địa phương nói riêng và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nói chung đạt được trong thời gian qua; đồng thời, thẳng thắn trao đổi, đề xuất một số kiến nghị với Trung ương như: (1) Sớm hoàn thiện thể chế pháp lý về PCTN, trước mắt là Luật PCTN; Bộ luật hình sự... theo hướng phân biệt rõ chính sách xử lý giữa các nhóm đối tượng; nghiên cứu luật hóa việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng; (2) Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra; đưa việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trở thành công việc thường xuyên; mở rộng diện rà soát để xem xét, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; (3) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp công tác; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tiếp cận thông tin đối với một số vụ việc, vụ án tham nhũng.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn công tác số 2 phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn công tác số 2 phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn công tác đã ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo các nội dung, báo cáo phục vụ công tác rà soát, kiểm tra, nắm tình hình của Đoàn công tác.

Đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí nhấn mạnh Quảng Ninh nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối Asean - Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, một tỉnh có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, vì vậy, việc đầu tư cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội luôn được tỉnh ưu tiên chú trọng; đồng thời, để nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh cũng đã chủ động rà soát bộ máy thanh tra, tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh kịp thời sai phạm; phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển Cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt sai phạm, bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

Đồng chí lưu ý, thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các tổ chức liên quan cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau: (1) Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, xác định công tác PCTN phải là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. (2) Chủ động thường xuyên rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội để phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng chuyển Cơ quan điều tra xử lý; có sự phối hợp giữa cơ quan Thanh tra và Cơ quan điều tra trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra. (3) Cơ quan Thanh tra của tỉnh chủ động phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để chuyển Cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền. (4) Các cơ quan chức năng cũng cần nắm rõ mục tiêu, yêu cầu việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện sang Cơ quan điều tra, để phối hợp với hai cơ quan này xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. (5) Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh cần lãnh đạo, chỉ đạo tốt nhiệm vụ công tác thanh tra; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau thanh tra góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tập trung khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác thanh tra ở địa phương. Thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Phạm Anh Tuấn ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Nội chính Trung ương sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác, đồng chí Vũ Hồng Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát chặt chẽ công tác thanh tra, đôn đốc thực hiện nghiêm, kịp thời các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, khắc phục thiệt hại, thu hồi tài sản bị thất thoát về cho Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng; nhằm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thu Hà - Kim Anh

;
.