Kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Hai, 31/08/2015, 15:00 [GMT+7]
    Ngày 28-8-2015, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kế hoạch tổng kết nghị quyết này tại địa phương. 
 
    Tham gia và làm việc với Đoàn, về phía Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo: Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQVN, Đoàn Đại biểu Quốc hội và các cơ quan tư pháp, Cục thi hành án dân sự, Thanh tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp và Ban Nội chính Tỉnh ủy.
 
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương
    Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe Báo cáo, trao đổi ý kiến về kết quả 10 năm (2005 - 2015) thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Báo cáo nêu rõ, Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, nhất là Đảng đoàn HĐND tỉnh, Đảng đoàn MTTQ tỉnh; BCS đảng UBND tỉnh, khối các cơ quan tư pháp, các huyện, thành ủy tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48-NQ/TW. Hàng năm, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản QPPL được ban hành cơ bản phù hợp với Hiến pháp, phát luật và sát với tình hình thực tế địa phương (giai đoạn 2005-2015, địa phương đã ban hành 5.017 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 2.363 văn bản đến thời điểm báo cáo còn hiệu lực thi hành). Việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định được thực hiện thường xuyên (qua rà soát, cấp tỉnh đã công bố 677 văn bản QPPL, bao gồm 118 nghị quyết 450 quyết định và 109 chỉ thị của HDND và UBND còn hiệu lực thi hành). Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành pháp luật được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện khá hiệu quả. Công tác áp dụng và xử lý vi phạm pháp luật được thực hiện một cách nghiêm túc đúng với pháp luật và đúng theo tinh thần cải cách tư pháp (10 năm qua, tổng số vụ án được thụ lý điều tra là 10.371 vụ, với 16.521 đối tượng, kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 8.938 vụ, với 13.186 đối tượng; cũng trong 10 năm qua, các cơ quan Thi hành án dân sự đẫ thụ lý tổng số 101.681 việc, với tổng số tiền phải thi hành án 10.287 tỷ đồng, số việc thi hành xong là 56.671 việc, với số tiền là 2.261,7 tỷ đồng…). Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường (tỉnh đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Ngày pháp luật” trên địa bàn tỉnh). Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh được quan tâm...
 
    Từ những kết quả trên, Báo cáo của Tỉnh ủy đã khẳng định: 10 năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được kết quả quan trọng; cùng với hệ thống pháp luật của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành tạo sự đồng bộ, thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện các quy định tại địa phương, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. 
 
    Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm và có kết quả Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị; đã xác định trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội để từ đó xác định nhu cầu xây dựng pháp luật của tỉnh theo hướng: tạo cơ chế để cải thiện môi trường đầu tư trong tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh; gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; gắn xây dựng pháp luật với cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao trách nhiệm công vụ của các cấp chính quyền địa phương. Đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm: dự báo tình hình xây dựng pháp luật khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); dự báo tác động của tình hình Biển Đông đối với tình hình an ninh quốc phòng, thương mại dịch vụ của tỉnh; dự báo tình hình quản lý nhà nước trong tỉnh cho phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế: quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, môi trường biển, thương mại dịch vụ … 
Phạm Hoài Bắc
;
.