Ban Nội chính Trung ương: Khảo sát, nắm tình hình phục vụ Đề án sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đôn đốc việc thực hiện rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại Thừa Thiên Huế

Thứ Năm, 03/09/2015, 23:38 [GMT+7]
    (BNCTW) - Thực hiện Kế hoạch số 62-KH/BNCTW ngày 14-4-2015, về "Sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng" và Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW ngày 16-4-2015  về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội tại các địa phương của Ban Nội chính Trung ương, ngày 03-8-2015, Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương làm trưởng Đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
 
    Làm việc với Đoàn công tác về phía Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các cơ quan trong khối nội chính tỉnh.
 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
    Đồng chí Phan Văn Quang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy trình bày 02 báo cáo: (1) Kết quả rà soát tổng thể các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội từ năm 2011 - 2014; (2) Đánh giá 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
 
    Theo Báo cáo: Thực hiện Hướng dẫn 06-HD/BNCTW ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định thành lập Đoàn rà soát tổng thể các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội từ năm 2011 - 2014 do đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm trưởng Đoàn; thành viên đoàn gồm các đồng chí ở các cơ quan: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh.
 
    Từ năm 2011 - 2014, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai 293 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội. Trong đó, thanh tra tỉnh 34 cuộc; thanh tra cấp huyện 177 cuộc; thanh tra cấp cơ sở 82 cuộc, tập trung vào lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao như: tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai... và các đơn vị, địa phương có nhiều dư luận, đơn, thư khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực.
 
    Qua thanh tra, đã phát hiện: sai phạm về kinh tế là 58.707 triệu đồng, sai phạm về đất là 1.388.107 m2. Tổng số tổ chức, cá nhân có sai phạm là 495. Trong đó, xử lý về hành chính là 300 (trong đó: tập thể 167, cá nhân 133), xử lý về kinh tế là 195 tập thể... Đến nay, tổng số xử lý về hành chính đã thực hiện là 22 quyết định; đã xử lý kỷ luật 21 cán bộ, trong đó hình thức cảnh cáo là 11, khiển trách 10, kiểm điểm rút kinh nghiệm 01; xử lý về kinh tế: tổng số tiền, đất, tài sản kiến nghị thu hồi 58.707 triệu đồng, thu hồi 1.388.107 m2 đất, đã thu hồi 29.069 triệu và 371.738 m2 đất; xử lý về hình sự: tổng số vụ việc, đối tượng có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra theo thẩm quyền 09 vụ, đã khởi tố 01 vụ/04 bị can, không khởi tố 01 vụ, hiện còn 07 vụ cơ quan điều tra công an các cấp đang tiến hành điều tra xử lý theo quy định.
 
đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương
phát biểu tại buổi làm việc
    Tuy nhiên, qua công tác thanh tra cho thấy, hầu hết các lỗi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng do năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra ở một số đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra; việc theo dõi, đôn đốc kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh còn gặp khó khăn.
 
    Về Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong 03 năm qua, Báo cáo nêu rõ:  Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định 162-QĐ/TW, ngày 01-02-2013 của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên toàn quốc, trong đó phát huy vai trò chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương đã lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, xử lý hài hoà các mối quan hệ, không buông lỏng lãnh đạo cũng như không bao biện làm thay; không can thiệp vào nhiệm vụ cụ thể của cơ quan chức năng mà chọn một số khâu yếu, việc khó trong công tác phòng, chống than nhũng để chỉ đạo tháo gỡ như: hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; công tác giám định tư pháp; phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; vấn đề cho hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Do vậy, một số khâu yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng trước đây đã có những chuyển biến tích cực, giúp vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường và đạt hiệu quả tích cực.
 
    Nhờ sự hoạt động tích cực, có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương đã giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ tỉnh ủy thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên; việc triển khai, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai đồng bộ; cùng với đấu tranh mạnh mẽ các hành vi tham nhũng, tiêu cực đã góp phần tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng.
 
đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc
    Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến phát biểu nêu rõ những kết quả mà địa phương đã làm được trong thời gian qua cũng như những kết quả mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã lãnh đạo, chỉ đạo trong 03 năm qua; nêu lên những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Các đại biểu cũng đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung như: Quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức công tác tại ban nội chính cấp tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng ở các cấp, ngành, cơ quan đặc thù...
 
    Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế trong 4 năm qua. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, công tác thanh tra đã được triển khai đều ở 3 cấp độ, có trọng tâm, trọng điểm, việc thực hiện thanh tra, xử lý sau thanh tra nghiêm, đúng pháp luật. Qua báo cáo việc rà soát (theo Hướng dẫn 06) đã bám sát nội dung và yêu cầu đã đề ra. Qua thanh tra đã góp phần phát hiện 09 vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra. Việc thực hiện kiến nghị thanh tra nghiêm túc; thu hồi tài sản đạt tỷ lệ cao. Qua thanh tra không để sai sót, lọt vụ việc. Tuy nhiên, trong thực hiện kiến nghị sau thanh tra còn một số hạn chế, đồng chí đề nghị cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng của tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý; Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo, đôn đốc xử lý các vụ án, vụ việc còn tồn đọng; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo kết quả rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội từ năm 2011 - 2014.
 
    Về những ý kiến góp ý 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đoàn công tác ghi nhận và có trách nhiệm tổng hợp báo cáo lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương.
 
    Đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực thay mặt Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tiếp thu đầy đủ những ý kiến phát biểu của Đoàn công tác và yêu cầu các cơ quan liên quan sớm triển khai nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Đặng Phước
;
.