Ban Nội chính Trung ương: Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài chính

Thứ Sáu, 04/09/2015, 19:35 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 04-9-2015, tại Trụ sở Bộ Tài chính, Đoàn công tác số 3 của Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tài chính.  

Làm việc với Đoàn có đồng chí Trần Xuân Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cùng các đồng chí trong Ban cán sự đảng; đại diện lãnh đạo các tổng cục, vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Buổi làm việc gồm 03 nội dung chính: (1) Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN); (2) Khảo sát, nắm tình hình phục vụ sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; (3) Nghiên cứu, khảo sát cơ quan, tổ chức đầu mối tham mưu giúp việc về công tác PCTN của các ban cán sự đảng, đảng ủy, đảng đoàn cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

Theo Báo cáo tại buổi làm việc, trên cơ sở kết quả kiểm tra, kiến nghị của Đoàn kiểm tra số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN năm 2014, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra và các cơ quan, tổ chức khác thuộc Bộ triển khai, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và quy định của pháp luật về PCTN; đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về PCTN đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đưa nội dung PCTN vào các buổi sinh hoạt định kỳ, nghị quyết của cấp ủy nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền về PCTN.

Thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai, minh bạch trong công tác cán bộ để tránh xảy ra sai sót, tiêu cực. Năm 2015, Bộ đã xây dựng kế hoạch luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác năm 2015, dự kiến có 30 vị trí công tác đến kỳ luân phiên, luân chuyển và 57 vị trí công tác đến kỳ chuyển đổi công tác theo quy định; 6 tháng đầu năm 2015, toàn ngành đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 2.763 người; có 51/51 tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ với 60.692 người đã hoàn thành kê khai tài sản, thu nhập năm 2014 (đạt 99% trên tổng số người phải kê khai); số lượng bản kê khai tài sản, thu nhập lưu giữ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là 56.757 bản; các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện công khai bản kê khai theo đúng quy định.

6 tháng đầu năm 2015, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ đã triển khai thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với 1.514 đơn vị; phát hiện, xử lý 136 lượt cán bộ, công chức, nhân viên có sai sót, vi phạm (cơ quan Thuế xử lý 127 người; cơ quan Hải quan xử lý kỷ luật 09 cán bộ, công chức); thực hiện 39.490 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện và xử lý vi phạm về tài chính khoảng 6.436,75 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Tài chính đã phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về thuế, buôn lậu, gian lận thương mại. Những vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã kịp thời chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Đồng chí Trần Xuân Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Trần Xuân Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại buổi làm việc

Đánh giá kết quả 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, từ năm 2013 đến nay, công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đối với các bộ, ngành, địa phương được triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt có hiệu quả trong cả phòng và chống tham nhũng; chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các thể chế về PCTN; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN; kiểm tra, giám sát việc thanh tra, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; nhất là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Trưởng Ban Chỉ đạo thường xuyên quan tâm, điều phối hoạt động của Ban Chỉ đạo, hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Do vậy, hầu hết các nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo được thực hiện nghiêm túc, hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Ban Chỉ đạo đã thực hiện đúng nguyên tắc không buông lỏng sự lãnh đạo, nhưng cũng không bao biện làm thay các cơ quan chức năng; tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng chủ động thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Đánh giá về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của cơ quan, tổ chức đầu mối quan mưu, giúp việc về công tác PCTN của Bộ Tài chính: Tháng 10-2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTN của Bộ để tham mưu, giúp việc Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Hằng năm, Ban Chỉ đạo đều xây dựng chương trình, kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, thực hiện; đồng thời, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo ở một số cơ quan, đơn vị quan trọng (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế...) thuộc Bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, nhiều ý kiến tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đạt được của Bộ Tài chính trong công tác PCTN; đồng thời thẳng thắn trao đổi, đề xuất một số kiến nghị với Trung ương như: (1) Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội trong PCTN; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN, lãng phí cho phù hợp, đảm bào tính khả thi; (2) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị trong đấu tranh PCTN; có sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với các cơ quan, tổ chức chuyên môn trong lãnh, chỉ đạo công tác PCTN; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, xã hội trong PCTN; (3) Chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát các nguồn thu nhập của cán bộ, công chức; hướng tới thực hiện các nghiệp vụ thanh toán thu, chi không dùng tiền mặt.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, đồng chí Trần Xuân Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh thêm những kết quả mà Bộ Tài chính đã đạt được trong công tác PCTN; Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và các tổng cục, cục, vụ, đơn vị đã nhận thức được sự nhạy cảm và khó khăn của nhiều lĩnh vực công tác, do đó đã xác định cơ chế làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ phối kết hợp triển khai một cách có hiệu quả; chú trọng kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTN của Bộ để giúp việc cho Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp phòng và chống tham nhũng; chú trọng chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành, xử lý nghiêm, triệt để các vụ việc vi phạm; có những biện pháp xử lý nghiêm khắc cán bộ, công chức sai phạm…

Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn công tác phát biểu kết luận buổi làm việc
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn công tác phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Tài chính cả về nội dung chương trình, kế hoạch và tài liệu phục vụ buổi làm việc; đồng thời, ghi nhận những kết quả Bộ đã đạt được trong việc thực hiện các kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và trong công tác PCTN. Đồng chí đề nghị Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ cần xác định công tác PCTN là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; vừa tích cực chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phải chú trọng thực hiện tốt công tác phòng ngừa tham nhũng. Đặc biệt, đồng chí đánh giá cao công tác cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, nhất là trong lĩnh vực quản lý thuế, hải quan, một trong những giải pháp căn cơ, có tác dụng thiết thực trong phòng ngừa sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

Đối với một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn điều kiện dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý thuế; hải quan; quản lý vốn đầu tư; thu - chi ngân sách; quản lý tài sản công và quản lý tài chính trong các doanh nghiệp nhà nước v.v...; trải rộng từ Trung ương đến địa phương với số lượng cán bộ lớn hằng ngày tiếp xúc với nhiều người dân và doanh nghiệp, tiếp xúc với tiền và hàng hóa, do đó, đồng chí lưu ý thời gian tới, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa tham nhũng trên cả 2 phương diện phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Tham mưu ban hành hoặc trực tiếp ban hành các văn bản góp phần hoàn thiện thể chế quy phạm pháp luật mà Bộ đã, đang thực hiện tốt trong thời gian qua; chú trọng PCTN trong nội bộ ngành và nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, thanh tra, phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm pháp luật về PCTN.

 Kim Anh

;
.