Vài nét về Ủy ban độc lập chống tham nhũng tại bang New South Wales, Úc

Thứ Năm, 12/11/2015, 15:15 [GMT+7]
    Úc là một quốc gia có nền kinh tế phát triển với hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ và luôn quan tâm xây dựng nền hành chính công tốt mà ở đó, công chức không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng. Mọi hành vi liên quan đến tham nhũng đều được yêu cầu giải trình và điều tra, xem xét, xử lý nghiêm trước pháp luật, không có ngoại lệ. Năm 2014, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Úc ở vị trí thứ 10 trong nhóm các nước ít tham nhũng nhất thế giới trong 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Kết quả đó có đóng góp lớn của Ủy ban độc lập chống tham nhũng (Independent Commission Against Corruption - ICAC) tại bang New South Wales (NSW), Úc. 
 
    Sơ lược về ICAC 
 
    ICAC được thành lập năm 1988 với mục tiêu chống tham nhũng, bảo vệ lợi ích của công chúng, phòng ngừa các vi phạm có thể làm giảm lòng tin của dân chúng, cải thiện tính liêm chính và hướng dẫn hành vi của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công. Thẩm quyền của ICAC mở rộng đến tất cả các cơ quan và những người được tuyển dụng trong khu vực công của NSW, bao gồm hơn 130 bộ, ban, ngành chính quyền (với hơn 30.000 nhân viên), 152 chính quyền địa phương, 10 trường đại học đóng trên địa bàn và hơn 1.000 ủy ban, hội đồng và các ban đoàn chính phủ. ICAC cũng có thẩm quyền pháp lý đối với các nghị sĩ quốc hội, Thống đốc bang, các bộ trưởng và bộ máy tư pháp. Ngược lại, ICAC chịu sự giám sát của Quốc hội và sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Cơ quan thanh tra có thể điều tra những khiếu kiện hoặc ngăn chặn sự lạm dụng quyền hạn của ICAC.
Người đứng đầu ICAC do Thống đốc bang bổ nhiệm, có sự phê chuẩn của Quốc hội, nhiệm kỳ 5 năm. Cơ quan này không phải báo cáo Chính phủ, chỉ bị giải tán khi có quyết định của lưỡng viện Quốc hội. ICAC độc lập trong các hoạt động điều tra; không bị ảnh hưởng hoặc phụ thuộc bởi bất cứ mệnh lệnh, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, các chính trị gia, quan chức hay bất cứ đảng phái chính trị nào. Ngân sách hoạt động của ICAC do Quốc hội phê duyệt. ICAC có trách nhiệm báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất với Quốc hội; báo cáo công khai với dân chúng về các hoạt động của mình. Các cơ quan truyền thông có quyền đăng tải các báo cáo và hoạt động của ICAC.
 
    Vai trò của ICAC 
 
    ICAC có vai trò phát hiện, điều tra và giảm thiểu tham nhũng, thúc đẩy tính liêm chính và thanh danh của khu vực công, thể hiện ở hai lĩnh vực hoạt động trọng tâm là: (1) Phát hiện, vạch trần tham nhũng (bao gồm: Phát hiện và điều tra tham nhũng; xác định các nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến tham nhũng; đảm bảo phương pháp tiếp cận tốt nhất cho các hoạt động điều tra; tăng cường quá trình xử lý các trình báo tham nhũng; duy trì sự phối hợp với các cơ quan liên quan để tối ưu hóa hoạt động); (2) Phòng ngừa tham nhũng (bao gồm: Hỗ trợ Chính phủ giải quyết các nguy cơ tham nhũng trọng yếu, các vấn đề dư luận quan tâm; cải thiện hoạt động của các cơ quan chính quyền để giảm thiểu tham nhũng; tăng cường nhận thức của dân chúng về tham nhũng và khuyến khích trình báo tham nhũng). ICAC cũng tiến hành các nghiên cứu để xác định các lĩnh vực có thể xảy ra tham nhũng; cung cấp tư vấn, thông tin, nguồn nhân lực và đào tạo cho các tổ chức khu vực công để hạn chế các nguy cơ tham nhũng.
 
    Chức năng của ICAC
 
    ICAC có chức năng điều tra và đưa ra ánh sáng các hành vi tham nhũng; chủ động ngăn ngừa tham nhũng thông qua các hoạt động tư vấn và hỗ trợ; giáo dục và tuyên truyền cho dân chúng và khu vực công NSW về tham nhũng và hậu quả của tham nhũng.
 
    Chức năng điều tra tham nhũng: Được thực hiện qua việc tiếp nhận, phân tích những trình báo và báo cáo về các cáo buộc tham nhũng; tiến hành điều tra, thẩm vấn những người có liên quan đối với các hành vi có dấu hiệu nghiêm trọng, có tính hệ thống. ICAC có thẩm quyền rất lớn để thực hiện chức năng điều tra của mình; thậm chí có thẩm quyền được trao cao hơn thẩm quyền của cơ quan cảnh sát (như sử dụng các công cụ đặc biệt, được nghe lén điện thoại). 
 
    Chức năng phòng ngừa tham nhũng: ICAC giảm thiểu các nguy cơ tham nhũng bằng việc bảo đảm rằng các động cơ tham nhũng được xác định và kiểm soát, các cơ hội có hành vi tham nhũng được hạn chế bởi cấu trúc và hệ thống của tổ chức; khả năng phát hiện tham nhũng được tăng cường thông qua giám sát, báo cáo và các biện pháp thúc đẩy tính liêm chính của khu vực công. Để đạt được điều này, ICAC cung cấp: Tư vấn ở mức độ chuyên gia về các biện pháp phòng, chống tham nhũng, bao gồm đề xuất các biện pháp và thay đổi cần thiết để loại trừ những kẽ hở cho tham nhũng; hỗ trợ để thực hiện những sự thay đổi, điều chỉnh; giáo dục và đào tạo cho cộng đồng và khu vực công; nghiên cứu các khía cạnh của tham nhũng và các phương pháp tiếp cận có hiệu quả để phòng ngừa; thông tin trên Trang thông tin điện tử của ICAC các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bao gồm việc xây dựng các chính sách, kế hoạch phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát các nguy cơ tham nhũng; xuất bản các ấn phẩm, các bộ công cụ, hướng dẫn, tư vấn về phòng, chống tham nhũng. ICAC cũng tiến hành các khảo sát định kỳ về các quan niệm của công chúng đối với tham nhũng và vai trò của cơ quan chống tham nhũng.
 
    Chức năng giáo dục và tuyên truyền: Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, các buổi thuyết trình, các sự kiện giáo dục về phòng chống tham nhũng; các lớp ngắn hạn cho các quan chức chính phủ nhằm phát triển kiến thức và kỹ năng để nhận dạng, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Úc để đào tạo sau đại học về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng.
 
    Trình báo tham nhũng với ICAC
 
    Bất cứ ai cũng có thể trình báo, cung cấp thông tin cho ICAC về hành vi nghi ngờ là tham nhũng. ICAC khuyến khích công chúng và nhân viên Chính phủ trình báo các hành vi nghi ngờ tham nhũng. Bổn phận của tất cả những người làm việc trong khu vực công, những người đứng đầu các cơ quan Chính phủ và chính quyền địa phương là phải báo cáo cho Ủy ban này về bất cứ vấn đề gì có liên quan hay họ nghi ngờ có thể có liên quan đến một hành vi tham nhũng.
 
    Mọi cá nhân có thể cung cấp thông tin với ICAC bằng thư tín, điện thoại, fax, thư điện tử hoặc trực tiếp trên trang thông tin điện tử của ICAC. Những người làm việc cho các cơ quan chính phủ có thể cung cấp thông tin trực tiếp với ICAC hoặc qua thủ tục trình báo nội bộ của cơ quan; họ có thể cung cấp thông tin dưới hình thức khai báo bảo hộ để được bảo vệ, không bị trù dập hoặc trả thù. ICAC được quyền yêu cầu người trình báo phải trung thực trong cung cấp thông tin, người bị tình nghi tham nhũng phải trung thực trong giải trình. Người tố cáo bịa đặt, vu khống, cố tình khai gian hoặc ngụ ý khai gian với ICAC có thể bị khép vào tội hình sự. Người bị tố cáo có quyền khởi kiện người tố cáo ra Tòa.  
 
    ICAC sẽ làm gì với thông tin được trình báo
 
    Tất cả các trình báo, báo cáo khi đến tay ICAC đều được xem xét, giải quyết cẩn thận. ICAC nhận và đăng ký các trình báo, báo cáo; đánh giá ban đầu và tìm kiếm thêm thông tin nếu cần thiết. Sau đó chuyển tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của ICAC tới Hội đồng thẩm tra của ICAC để quyết định cách thức giải quyết vấn đề, vụ việc. ICAC cũng phân tích bản chất và số lượng các trình báo, báo cáo nhận được để xác định các xu hướng đang nổi lên và sự cần thiết cho các đề xuất, sáng kiến giáo dục, đào tạo, tuyên truyền cụ thể. Trong đánh giá các trình báo, ICAC luôn tập trung vào các tham nhũng nghiêm trọng và có tính hệ thống. Nếu quyết định điều tra, ICAC sử dụng thẩm quyền của mình để thu thập thông tin, sử dụng các phương pháp bí mật và công khai để điều tra. Sự thẩm tra, thẩm vấn người dân, yêu cầu họ hợp tác và đưa ra các chứng cứ, tìm kiếm các chi tiết về tài sản được thực hiện như là một phần bắt buộc của quá trình điều tra. ICAC không có quyền truy tố cá nhân nào, nhưng được đề nghị Viện Công tố xem xét, truy tố cá nhân tham nhũng qua điều tra./. 
Phạm Thái Hà
(Ủy ban kiểm tra Trung ương)
;
.