Hậu Giang: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thứ Hai, 12/10/2015, 15:04 [GMT+7]
    Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan có liên quan bám sát nội dung của Nghị quyết, triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Các cơ quan, đơn vị đã làm tốt vai trò tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đảm bảo sát với tình hình thực tế. 
 
    Trong 10 năm qua, cấp tỉnh đã ban hành 844 văn bản; cấp huyện ban hành 1.189 văn bản; cấp xã ban hành 3.759 văn bản, cơ bản đạt so với chỉ tiêu đề ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát 1.189 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện 104 văn bản được ban hành không đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiến hành tự kiểm tra 844 văn bản, phát hiện 17 văn bản sai về thể thức và kỹ thuật trình bày, 04 văn bản ban hành có nội dung không phù hợp với văn bản của Trung ương, đã được điều chỉnh kịp thời.
 
Một Hội nghị của UBND tỉnh Hậu Giang
Một Hội nghị của UBND tỉnh Hậu Giang
    Cơ quan điều tra của tỉnh đã tiếp nhận 2.482 trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong đó chuyển cơ quan khác 49 trường hợp, trực tiếp giải quyết 2.433 trường hợp. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thụ lý giải quyết 3.372 vụ/5982 bị can, đã giải quyết 3.322 vụ/5.917 bị can (đạt 99%), truy tố 3.235 vụ/5.598 bị can; cử kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục sơ thẩm 3.306 vụ/5.421 bị cáo, theo thủ tục phúc thẩm 937 vụ/1.296 bị cáo. Tòa án nhân dân tỉnh đã giải quyết 1.426.445 vụ vi phạm hành chính; đã ra quyết định xử phạt 1.419.962 vụ. Áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính 651 đối tượng. Đã thụ lý trên 8.000 trường hợp với hơn 18.000 lượt người; tổ chức trợ giúp lưu động 797 đợt với hơn 18.229 lượt người tham dự, đồng thời cấp phát 45.300 tờ rơi pháp luật. Các tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn; trên địa bàn tỉnh có 513 tổ hòa giải với 3.076 hòa giải viên, hàng năm các vụ việc hòa giải thành đạt trên 80%.
 
    Tuy nhiên, một số văn bản ban hành chưa phù hợp quy định pháp luật, chủ yếu là ở cấp huyện. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa huy động mạnh mẽ sự tham gia góp ý xây dựng văn bản từ các chuyên gia, nhà khoa học. Trình độ đội ngũ làm công tác pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu. Việc hướng dẫn thi hành các luật của cơ quan cấp trên còn chậm so với yêu cầu… 
 
    Công tác quy hoạch đào tạo các chức danh tư pháp, các lớp sau đại học và lý luận chính trị, hành chính còn hạn chế về số lượng, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động nghiên cứu xây dựng và thực thi pháp luật, nguồn để bổ nhiệm chưa đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ. Công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa thật sự đổi mới toàn diện, chỉ tập trung vào các nội dung đáp ứng yêu cầu trước mắt, chưa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tổng thể, mang tính chiến lược trong toàn hệ thống.
 
    Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 48-NQ/TW, trong đó chú ý những nội dung chưa làm được để có giải pháp thực hiện tốt hơn. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật. Tăng cường công tác xây dựng văn bản, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với các văn bản pháp luật củaTrung ương; hoàn thiện cơ chế phối hợp trong xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản. Tiếp tục hoàn thiện các chế định áp dụng pháp luật, thi hành pháp luật; tạo ra cơ chế chặt chẽ và thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực thi pháp luật, đảm bảo củng cố pháp chế vững mạnh. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật, chú ý tăng cường cải cách bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo các yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Tăng cường rà soát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp dân, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, không để tình trạng dân bức xúc khiếu nại đông người. Củng cố, kiện toàn các cơ quan pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật trong sạch vững mạnh. Chủ động xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ làm công tác pháp luật. Có chính sách ưu tiên, đãi ngộ, khuyến khích đối với cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa. 
 
    Hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với các cơ quan pháp luật. Các cơ quan dân cử chủ động xây dựng kế hoạch giám sát những vấn đề mà cử tri quan tâm để xây dựng các cơ quan pháp luật vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề có liên quan về hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, nhằm phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước. Đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động của các cơ quan làm công tác pháp luật. Rà soát lại trụ sở làm việc và các phương tiện nghiệp vụ để có kế hoạch xây dựng và đảm bảo kinh phí hoạt động kịp thời. 
Lê Hiểu
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hậu Giang)
;
.