Thừa Thiên Huế: Nâng cao chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu cải cách tư pháp

Thứ Bảy, 10/10/2015, 04:45 [GMT+7]
    (BNCTW) - Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã tổ chức quán triệt, triển khai và cụ thể hóa bằng chương trình công tác hằng năm của Tỉnh ủy. HĐND và UBND tỉnh cụ thể hóa thành các nghị quyết, quyết định để triển khai thực hiện đến cơ sở, bảo đảm đúng yêu cầu.
 
    Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với chất lượng ngày càng được nâng cao; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đổi mới phương pháp và lề lối làm việc, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
 
    Từ năm 2005 đến năm 2015, HĐND tỉnh đã ban hành 172 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 124 chỉ thị, 878 quyết định. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thẩm định 779 văn bản quy phạm pháp luật; góp ý 444 dự thảo luật, hiệp định, nghị định, thông tư, quyết định, chương trình hành động do cơ quan Trung ương, Đoàn Đại biểu Quốc hội trưng cầu và quyết định, chỉ thị, kế hoạch, đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh do các sở, ngành soạn thảo trưng cầu. 
 
Một phiên họp của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Một phiên họp của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
    Các nghị quyết về nhiệm vụ năm, về lĩnh vực ngân sách được chú trọng xây dựng với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rõ ràng, có chế tài để đảm bảo thực hiện. Nghị quyết chuyên đề được xây dựng chuyên sâu, đề ra những giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, cơ bản đáp ứng yêu cầu về tính toàn diện, thống nhất, đồng bộ, lâu dài và phù hợp, tương thích với các quy định của Nhà nước.
 
    Nhìn chung, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng bảo đảm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đúng theo các trình tự, thủ tục luật định, nhất là việc lấy ý kiến đóng góp của các đối tượng có liên quan, thẩm định dự thảo văn bản. Việc thẩm định văn bản dự thảo trước khi ban hành chính thức được Sở Tư pháp nghiêm túc thực hiện, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật. 
 
    Về tổ chức thi hành pháp luật, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác thi hành pháp luật. Thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật, vận động quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật hành chính, nhân dân trong tỉnh đã được tiếp cận tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định của Nhà nước có liên quan.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật của cấp trên mới được ban hành bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên nắm bắt các văn bản mới ban hành để kịp thời tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản cụ thể hóa việc thực hiện.
 
    Các cơ quan tư pháp đã chú trọng ban hành các chương trình, kế hoạch, quy định, hướng dẫn thực hiện các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp; về sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với các cơ quan tư pháp trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thể chế hóa chính sách của Nhà nước có liên quan...; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp với các đơn vị liên quan trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, công tác phòng, chống tội phạm và công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp. Công an các cấp luôn chú trọng nghiên cứu thực tiễn thi hành pháp luật, phát hiện những vấn đề vướng mắc trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự để chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng quy định, phù hợp với thực tiễn. Thông qua thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp và công tác xét xử, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân hai cấp ban hành nhiều văn bản kiến nghị các cấp, các ngành khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước và quản lý kinh tế.
 
    Công tác xử lý vi phạm hành chính tại các sở, ban, ngành và Thanh tra tỉnh được thực hiện tương đối bài bản theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính gần 164.887 vụ việc với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng. 
 
    Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu cải cách tư pháp. Chất lượng xét xử án hình sự được bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không có trường hợp nào kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; đặc biệt, quan tâm chỉ đạo giải quyết những vụ án hình sự trọng điểm, tăng cường xét xử lưu động; chú trọng đổi mới việc tổ chức, điều hành phiên tòa; đổi mới và tăng cường công tác giám đốc kiểm tra, kịp thời chỉ ra những thiếu sót trong công tác xét xử.
 
    Về tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cơ quan, ban, ngành đã chủ trì soạn thảo 779 văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động triển khai các hoạt động bổ trợ tư pháp. Chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hoạt động hành nghề tại địa phương; tạo điều kiện phát triển đội ngũ luật sư cả về chất lượng, số lượng; đồng thời, chủ động triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của công chứng. Toàn tỉnh hiện có 49 luật sư; 13 công chứng viên. Các tổ chức giám định tư pháp và giám định viên tư pháp thuộc các lĩnh vực được củng cố, kiện toàn theo Luật Giám định tư pháp. 
 
    Bộ máy thi hành pháp luật ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành được đào tạo cơ bản, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hàng năm, các cơ quan, ban, ngành đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nâng cao kiến thức, trình độ lý luận chính trị và các kỹ năng cơ bản cần thiết cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng đội ngũ điều tra viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hoạt động của cơ quan an ninh điều tra, cảnh sát điều tra bảo đảm yêu cầu chính trị, nghiệp vụ; chất lượng công tác điều tra được nâng lên rõ rệt. Cán bộ có chức danh pháp lý ngành Kiểm sát và Tòa án đều có trình độ Cử nhân Luật và đều đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của ngành; những cán bộ nằm trong diện quy hoạch được đưa vào kế hoạch cử đi học Cao cấp lý luận chính trị. Đã chủ động tổ chức quán triệt đầy đủ nội dung Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân và Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 đến toàn thể cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát và Tòa án; rà soát và hoàn thành việc đề xuất mô hình, tổ chức bộ máy làm việc của viện kiểm sát, tòa án hai cấp.
 
    Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác pháp chế sở, ban, ngành được chú trọng. Toàn tỉnh có 45 cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn; trong đó, 42 cán bộ có trình độ Cử nhân Luật, số còn lại tốt nghiệp đại học khác, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật thường xuyên được củng cố và tăng cường theo đúng quy định…
Hoài Bắc
;
.