Tuyên Quang: Kết quả thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp"

Thứ Năm, 19/11/2015, 13:55 [GMT+7]
    Những năm qua, hoạt động giám định tư pháp được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 1958/CT-TTG ngày 25-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; Đề án 258 “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” và Luật giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
 
    Việc tuyên truyền, phổ biến Luật giám định tư pháp được thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp ngày càng hiệu quả, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng được nâng lên, giải quyết kịp thời nhu cầu giám định tư pháp cho tổ chức và công dân. 
 
Sở Tư pháp Tuyên Quang tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về giám định tư pháp
Sở Tư pháp Tuyên Quang tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về giám định tư pháp
    Chỉ đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp; thường xuyên tiến hành rà soát đội ngũ giám định viên tư pháp để kịp thời đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn; thực hiện bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giám định viên tư pháp.
 
    Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập 02 tổ chức giám định tư pháp công lập gồm: Phòng Kỹ thuật hình sự trực thuộc Công an tỉnh và Trung tâm pháp y tỉnh trực thuộc Sở Y tế. Các tổ chức giám định tư pháp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về giám định tư pháp; tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra, tố tụng, đơn vị thực hiện giám định được triển khai, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chính xác, kịp thời. Trên địa bàn tỉnh chưa có Văn phòng giám định tư pháp và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
 
    Đội ngũ giám định viên tư pháp và những người giám định tư pháp theo vụ việc không ngừng được củng cố về chất lượng và số lượng. Các giám định viên đều có trình độ đại học và tương đương, được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật.
 
    Toàn tỉnh có 44 giám định viên tư pháp (tăng 13 giám định viên so với thời điểm trước năm 2010). Trong đó Trung tâm pháp y tỉnh có 10 giám định viên (03 giám định viên chuyên trách và 07 giám định viên kiêm nhiệm làm việc tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh và các huyện). Phòng Kỹ thuật hình sự có 11 giám định viên (02 giám định viên pháp y và 09 giám định viên trong các lĩnh vực kỹ thuật hình sự). Giám định viên tư pháp trên một số lĩnh vực khác là 23 người. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 11 người giám định tư pháp theo vụ việc (tăng 11 người so với thời điểm trước năm 2010).
 
    Từ năm 2010 đến 30-9-2015, toàn tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện 3.792 vụ việc, trong đó Trung tâm pháp y tỉnh giám định 800 vụ việc, Phòng Kỹ thuật hình sự giám định 2.990 vụ việc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch giám định 02 vụ việc.
 
    Các tổ chức giám định đã thực hiện việc lập dự toán, chi trả chế độ bồi dưỡng giám định cho giám định viên theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01-01-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; thực hiện nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn, chế độ, đúng đối tượng theo quy định, đảm bảo kịp thời.
 
    Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn: Luật giám định tư pháp còn một số vướng mắc như chưa quy định cụ thể về thời hạn của người trưng cầu và người yêu cầu giám định và thời hạn trả lời của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định đối với từng vụ việc; chưa có hướng dẫn cụ thể về căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác tại khoản 2 Điều 29 Luật giám định tư pháp.
 
    Một số kết luận giám định chất lượng chưa cao, như: Mâu thuẫn giữa kết luận lần đầu và lần thứ hai; kết luận không rõ ràng dẫn đến các cơ quan giám định phải giải thích; kết luận chậm; trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận để bổ nhiệm giám định viên trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự còn thiếu, nhất là các ngành như: Bác sỹ, kỹ sư điện, hóa... Việc giám định các chất ma túy mới chỉ xác định được loại ma túy mà chưa xác định được tỷ lệ % ma túy; một số loại ma túy tổng họp, ma túy mới xuất hiện không thực hiện được do không có mẫu chuẩn để so sánh. Trang thiết bị cho hoạt động giám định của các tổ chức giám định tư pháp còn thiếu, một số trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giám định đã cũ, lạc hậu.
 
    Nguyên nhân là do một số quy định của pháp luật về giám định tư pháp còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất. Đối với công tác pháp y, do đặc thù phải tiếp xúc ô nhiễm, độc hại và nguy cơ lây nhiễm cao, với chính sách, chế độ đãi ngộ như hiện nay chưa thu hút được bác sỹ có chuyên môn, chuyên ngành tham gia làm giám định viên pháp y.
Bình Minh
;
.