Thái Bình: Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý III năm 2018

Thứ Năm, 18/10/2018, 15:56 [GMT+7]

Quý III năm 2018, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; ban hành nhiều văn bản quy định chế độ, chính sách ở nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền đã tác động tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể góp phần phòng, ngừa tham nhũng.

Hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý III
Hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng quý III

Hằng tháng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành các báo cáo tiến độ kết quả thực hiện  kiến nghị của Đoàn công tác số 2 - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc xử lý 03 vụ việc và 01 vụ án. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn công tác số 2 - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra đảm bảo kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ; hằng tháng, báo cáo kết quả và tiến độ triển khai thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã cơ bản thực hiện song các kiến nghị của Đoàn công tác số 2.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Kế hoạch, Quyết định thành lập Đoàn rà soát và tổ chức rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán của Nhà nước năm 2017 tại 06 địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban hành Kế hoạch số 88-KH/TU, ngày 06-9-2018 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Kế hoạch số 90-KH/TU, ngày 06-9-2018 luân chuyển, điều động cán bộ diện Ban Thường vụ quản lý giai đoạn 2018-2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về việc công bố kết quả xếp loại chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, Thành phố năm 2017; Quyết định về việc ban hành Quy trình chung thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 tỉnh; Quyết định về việc ban hành Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận hồ sơ, thực hiện và trả kết quả thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Bình; Thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân tích, đánh giá kết quả chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017 của tỉnh; công bố kế quả chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố năm 2017. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23-4-2018 của Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thủ tục giải quyết thủ thục hành chính. Đến hết quý III năm 2018, các sở, ban, ngành đã rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp trên địa bàn tỉnh; 100% thủ tục hành chính đã được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, huyện. Việc niêm yết công khai thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm túc ở các cơ quan, đơn vị.

Hệ thống Mạng văn phòng điện tử liên thông được triển khai tới 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đã thực hiện tích hợp thành công hệ thống Mạng văn phòng với ứng dụng Zalo. Xây dựng phần mềm hành chính công điện tử để phục vụ việc tiếp nhận, theo dõi, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, huyện.

Toàn tỉnh có 107/107 đơn vị, cơ quan hành chính, 1.064/1.064 đơn vị sự nghiệp công lập đã xây dựng, rà soát quy chế chi tiêu nội bộ. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ định mức, tiêu chuẩn; phát hiện và xử lý 06 trường hợp vi phạm.

Ba tháng cuối năm 2018, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các ngành, cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng. Cấp ủy, người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giải quyết công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời, tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch tự kiểm tra và xây dựng báo cáo kết quả tự kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về tự kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tiếp tục nắm tình hình, tổng hợp, báo cáo thường xuyên về kết quả khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm. Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Nguyễn Thị Khánh

                                 (Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình)

.