An Giang: Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017

Thứ Năm, 28/12/2017, 15:37 [GMT+7]
    Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được các cấp ủy, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ qua hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện khá toàn diện và tích cực; công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng được tăng cường; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng đẩy mạnh, thực chất hơn.
 
Hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang triển khai thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW của Ban Bí thư về chỉ đạo định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống tham nhũng
Hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang triển khai thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW của Ban Bí thư về chỉ đạo định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống tham nhũng
    Theo Thanh tra tỉnh, năm 2017, đã tiến hành 64 cuộc thanh tra (trong đó, 47 cuộc thực hiện theo kế hoạch, 17 cuộc đột xuất), đã kết thúc 43 cuộc và ban hành 28 kết luận. Qua thanh tra phát hiện 30/87 đơn vị sai phạm, với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng và 74.408m2 đất, kiến nghị thu hồi 1,9 tỷ đồng và 74.408m2 đất; kiến nghị kiểm điểm khiển trách 11 tổ chức, 32 cá nhân. Đồng thời, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ, gồm: 1 vụ của Trường THPT Nguyễn Công Trứ. Ở huyện An Phú 4 vụ: 1 vụ về công tác sử dụng quỹ lương và kinh phí được cấp tại các Trường THCS Vĩnh Hội Đông; Trường Tiểu học “A” Vĩnh Trường, “A” Vĩnh Hậu, “B” Long Bình, “B” Khánh An; 3 vụ về công tác quản lý và thu nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tại Trường Tiểu học “D” Phú Hữu, THCS Phú Hữu và Trường Tiểu học “B” Phú Hữu. TP. Long Xuyên chuyển 1 vụ theo kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thu, chi ngân sách Nhà nước tại UBND phường Bình Khánh; huyện Châu Thành chuyển 1 vụ theo kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Công an xã Bình Hòa và Công an xã Vĩnh Hanh.
 
    Qua công tác thanh tra đã góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần các điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng trên các lĩnh vực, trong các ngành, các cấp, nhất là các lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp, giải quyết những quyền lợi chính đáng của Nhân dân.
 
    Để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan Nhà nước, các ngành, các cấp đã duy trì, thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, như: công khai về tài chính; công khai việc mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức...
 
    Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã tổ chức 15 lớp, gần 1.000 cuộc tuyên truyền chủ trương, quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho trên 32.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham dự.
 
    Qua tuyên tryền đã nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, tính tiên phong, gương mẫu về nhận thức, hành động cụ thể, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quan tâm và thường xuyên kiểm tra, giám sát, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.
 
    Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thời gian tới, các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các quan điểm, mục tiêu, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi hành vi tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra thanh tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi thanh tra hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Nâng cao chất lượng công tác phối hợp của các cơ quan hành chính, tư pháp trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, từ thanh tra, kiểm tra, truy tố đến xét xử, đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân về phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện để mọi người tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng. Qua đó, nhằm lập lại kỷ luật, kỷ cương, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và vì sự phát triển của tỉnh.
                                                                                         P.V
;
.