Quảng Bình: Chủ động phòng ngừa, kiềm chế và từng bước đẩy lùi tham nhũng

Thứ Tư, 13/12/2017, 10:46 [GMT+7]

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch số 2305/KH-UBND về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 với mục tiêu chủ động phòng ngừa, kiềm chế và từng bước đẩy lùi tham nhũng trên địa bàn tỉnh; thông qua việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng để xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 5 phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN tại tỉnh Quảng Bình
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 5 phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN tại tỉnh Quảng Bình

Kế hoạch đã đề ra nội dung cụ thể, thiết thực, khả thi: Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và cơ quan thông tin đại chúng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ giải pháp phòng ngừa tham nhũng, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; rà soát, thay thế, sửa đổi, bổ sung văn bản trái quy định của pháp luật, không phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chuyển đổi vị trí công tác; áp dụng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo công khai, minh bạch để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03-01-2014 của Bộ Chính trị; tiến hành kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Giải quyết triệt để các vụ tố cáo có liên quan đến tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chú trọng thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm dễ phát sinh tham nhũng và tố cáo hành vi tham nhũng...

Tăng cường xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng, tận tụy, gương mẫu, liêm chính, chuyên nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, đồng thời là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, trước hết người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn với quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Võ Bá Phong

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)

;
.