Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 25/12/2017, 15:18 [GMT+7]
    Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị.
 
    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc triển khai mạnh mẽ, rộng khắp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều nghị quyết, văn bản pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng được ban hành. Bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, được đông đảo cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ nhất là việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử…Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của nhân dân. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ sống còn không riêng một ngành nào, một cơ quan nào mà là của toàn xã hội, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
   Theo Báo cáo tại Hội thảo, thời gian qua Mặt trận Tổ quốc đã kiên trì vận động các tầng lớp nhân dân tham gia trong công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ chủ chốt do HĐND cấp xã bầu; phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ việc tham nhũng và giám sát giải quyết các vụ việc đó… Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc tiếp nhận thông tin của nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri, đơn thư, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, trong đó có kênh báo chí...
 
    Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, phòng, chống tham nhũng là cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Theo quy định hiện hành, “căn bệnh” tham nhũng bắt nguồn chủ yếu từ cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức - những tổ chức và cá nhân có quyền lực trong hệ thống nhà nước, tổ chức chính trị. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào quyền lực và hệ thống quyền lực nhà nước để loại trừ “bệnh quyền lực” trong bộ máy nhà nước sẽ khó đạt hiệu quả. Chính vì thế, dựa vào quần chúng nhân dân, huy động nhân dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là biện pháp quan trọng và sẽ là có hiệu quả nhất.
                                                                                                P.V
;
.