Hà Nội: Hòa giải ở cơ sở góp phần làm giảm tội phạm

Thứ Hai, 24/10/2016, 17:17 [GMT+7]
    Sau khi Luật hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01-01-2014, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai trên địa bàn thành phố; biên soạn và cấp phát tài liệu cho các huyện, thị; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên những nội dung trọng tâm, như: Hiến pháp năm 2013; Luật hòa giải ở cơ sở; quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo... UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên củng cố, kiện toàn và báo cáo tình hình hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở.
 
Tập huấn Luật Hòa giải hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội
Tập huấn Luật Hòa giải hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội
    Việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có sự phối hợp tích cực của ngành tư pháp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội, thông qua việc mở hội nghị tuyên truyền, phát tờ rơi, panô, áp phích, hệ thống loa truyền thanh; triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”; xây dựng và duy trì các tổ hòa giải ở tổ dân phố thực hiện công tác dân vận. Ban Cải cách tư pháp các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Tư pháp tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng trăm hòa giải viên; trang bị tài liệu, tổ chức hội nghị, tọa đàm nâng cao chất lượng công tác hòa giải và hướng dẫn UBND các phường, xã, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã xây dựng tổ hòa giải theo tiêu chí “5 tốt”.
 
    Hiện tại, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 5.468 tổ hoà giải với 34.781 hoà giải viên. Thành viên của các tổ hoà giải là những người nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín, tín nhiệm trong nhân dân và có trình độ hiểu biết về pháp luật. Khi có một vụ việc phát sinh mâu thuẫn, Tổ hoà giải sẽ tiến hành họp, lựa chọn người có uy tín, phù hợp với lứa tuổi hoặc là ân nhân của những người, gia đình đang có mâu thuẫn đến tận hộ gia đình, gặp gỡ tuyên truyền, vận động thuyết phục hoà giải. Trong 9 tháng năm 2016, phát hiện 9.706 vụ việc mâu thuẫn, hoà giải thành công 7.649 vụ, đạt tỷ lệ 78,8%. Qua số liệu thống kê, số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn được phát hiện có nguyên nhân phát sinh từ mâu thuẫn nội bộ nhân dân chiếm tỷ lệ 12%; số vụ phạm pháp hình sự do không phát hiện được mâu thuẫn từ trước chiếm tỷ lệ 67,9%. Vì thế, việc nắm thông tin, phát hiện sớm những mâu thuẫn nảy sinh trong nhân dân rất quan trọng. Ở đâu làm tốt công tác nắm tình hình, hoà giải được những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở thì ở đó số vụ phạm pháp hình sự giảm.
 
    Hàng năm, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp tổ chức kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở kết hợp với kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật; tham mưu cho UBND, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác tư pháp định kỳ, trong đó có nội dung kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở. Việc kiểm tra nhằm nắm bắt được tình hình tổ chức, hoạt động của các tổ hòa giải, tìm ra những tồn tại, hạn chế để có những biện pháp khắc phục kịp thời; biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải, động viên cán bộ và hòa giải viên tích cực tham gia công tác hòa giải cơ sở.
 
    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở của thành phố Hà Nội còn một số hạn chế như: Ở một số nơi, tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức, không thường xuyên; hội viên làm công tác hòa giải còn kiêm nhiệm, một số hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật; kinh phí cho công tác hòa giải còn hạn hẹp; công tác thi đua, khen thưởng chưa được quan tâm nên chưa động viên, khích lệ được tinh thần của đội ngũ hòa giải viên…
 
    Tuy còn một số hạn chế, song công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 03 năm qua cơ bản đặt được những kết quả nhất định. Công tác hòa giải ở cơ sở đã kịp thời tham mưu, giải quyết các vụ việc nảy sinh, nhất là vấn đề khiếu kiện, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo…; chủ động phòng ngừa, kiềm chế được sự gia tăng của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là trọng án; góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Cù Tất Dũng
;
.