Hưng Yên: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)

Thứ Hai, 24/10/2016, 16:48 [GMT+7]
    Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có chuyển biến tích cực. 
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 25-10-2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 14-4-2014 về “Tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Các cơ quan, đơn vị ban hành 399 văn bản mới, sửa đổi, bổ sung 155 văn bản triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành về phòng, chống tham nhũng.
 
Hội nghị tập huấn công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng do Ban Nội chính Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức
Hội nghị tập huấn công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng do Ban Nội chính Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức
    Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh được tăng cường; phát huy vai trò, chức năng giám sát đối với các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn từng bước đi vào nền nếp và trở thành một trong những nội dung trọng tâm của các kỳ họp, được cử tri và nhân dân địa phương quan tâm; thường xuyên thực hiện tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri về các hoạt động có liên quan đến cơ quan hành chính và hành vi công vụ của cán bộ, công chức, từ đó kịp thời chấn chỉnh, đề nghị xử lý vi phạm nếu có.
 
    Từ năm 2013, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hưng Yên được tái lập và đi vào hoạt động. Ban đã tích cực tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy những chủ trương, định hướng lớn về công tác phòng, chống tham nhũng; hướng dẫn, kiểm tra các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; theo dõi việc giải quyết, xét xử các vụ việc, vụ án bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
 
    Tháng 6-2006, Công an tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động; tháng 6-2008 thành lập Đội điều tra tội phạm về tham nhũng và chức vụ tập trung vào việc phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Viện kiểm sát và Tòa án chú trọng giải quyết, xét xử các vụ việc, vụ án về tham nhũng bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có oan sai.
 
    Các cơ quan, tổ chức, đơn vị qua công tác tự kiểm tra nội bộ, phát hiện 2 vụ việc/2 đối tượng có hành vi tham nhũng; thanh tra phát hiện 2 vụ việc/8 đối tượng có hành vi tham nhũng; việc tiếp nhận và xử lý đơn, thư tố cáo tham nhũng; đã phát hiện 29 vụ việc/116 đối tượng. 
 
    Từ năm 2006 đến hết tháng 9-2015, thụ lý điều tra 34 vụ án/77 bị can phạm tội tham nhũng; truy tố, xét xử 29 vụ án/67 bị cáo phạm các tội danh liên quan đến tham nhũng. Thiệt hại do tham nhũng là 6 tỷ 387 triệu đồng tiền mặt và 2.000 m2 đất.
 
    Đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tỉnh đã thực hiện chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên với số tiền 335 tỷ 991 triệu đồng; tiết kiệm chi quản lý hành chính là 114 tỷ 266 triệu đồng; tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho cơ quan, tổ chức là 482 tỷ 488 triệu đồng; số tiền xử phạt, xử lý vi phạm thu được từ việc quản lý, sử dụng đất là 432 triệu đồng, xử phạt, xử lý vi phạm về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên là 215 triệu đồng.
 
    Bên cạnh những kết quả đó, việc thực hiện các chủ trương, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn có hạn chế, như: Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thể hiện rõ quyết tâm chính trị đối với công tác này, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế; việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức; công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn hạn chế.
 
    Tuy còn một số hạn chế nhất định, song công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tạ Anh Hưng
;
.