Thanh Hóa triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị

Thứ Ba, 09/08/2016, 16:04 [GMT+7]
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 21-KH/TU ngày 29-6-2016 thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng". 
 
    Kế hoạch yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương ba (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị (khoá X); Luật phòng, chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 10-6-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XVII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
 
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Thanh Hóa
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Thanh Hóa
    Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Khi phát hiện vụ việc tham nhũng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, thủ trưởng đơn vị phải xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. 
 
    Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp chủ động, tích cực trong xử lý tố giác, tin báo tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử. Chú trọng áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; khắc phục tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm nhưng chỉ xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế. Các trường hợp có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 
 
    Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Đối với những vụ việc, vụ án có dấu hiệu tham nhũng thuộc diện cấp ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý hoặc trong quá trình điều tra, xử lý gặp khó khăn, vướng mắc, kéo dài, còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động trao đổi theo quy chế phối hợp; kịp thời báo cáo, xin ý kiến Thường trực cấp ủy về chủ trương, đường lối xử lý.
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện.
Trần Ngọc Hiền
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa)
;
.