Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào: Bước đột phá trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Tư, 18/02/2015, 05:48 [GMT+7]
Đầu năm mới 2015, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đã trò chuyện với Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương, bày tỏ niềm vui khi công tác phát hiện, xử lý vi phạm qua hoạt động thanh tra, kiểm tra năm 2014 của ngành Thanh tra tăng vượt bậc so với cùng kỳ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có bước đột phá nổi trội, đánh dấu sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị.
- Theo đánh giá của đồng chí, trong năm 2014, lĩnh vực công tác nào của ngành Thanh tra có bước đột phá nổi trội hơn so với năm 2013?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào: Bước đột phá nổi trội của ngành Thanh tra so với năm 2013 theo tôi chính là công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thể hiện rõ nhất là việc triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Luật tiếp công dân, Nghị quyết 39/2012/QH 13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, Chỉ thị số 14-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-5-2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ban Tiếp công dân Trung ương được thành lập. Các bộ, ngành, địa phương cũng triển khai thành lập Ban Tiếp công dân, bố trí trụ sở và cán bộ tiếp công dân theo khả năng hiện có và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tiếp công dân định kỳ mỗi tháng 01 lần, đã tạo được những hiệu quả nhất định. Thanh tra Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát, giải quyết 501/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tiến hành kiểm tra hiệu lực, hiệu quả của Thông báo kết luận sau tiếp dân định kỳ của Tổng Thanh tra Chính phủ nhằm đánh giá những kết quả cụ thể của công tác này.
Thanh tra Chính phủ cũng đã ký kết chương trình phối hợp, quy chế phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Văn phòng Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Đồng chí Lê Tiến Hào, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ
Đồng chí Lê Tiến Hào, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ
- Trong năm 2014, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 7.000 cuộc thanh tra hành chính và trên 233.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Xin đồng chí cho biết, kết quả phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm qua các cuộc thanh tra, kiểm tra này? 
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào: Công tác phát hiện, xử lý vi phạm qua hoạt động thanh tra, kiểm tra năm 2014 của ngành Thanh tra tăng vượt bậc so với cùng kỳ. Ngành Thanh tra  đã phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, 1.682,6 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng, 1.355,9 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.280,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc. 
Riêng Thanh tra Chính phủ tiến hành 55 cuộc thanh tra, đến nay đã kết thúc 44 cuộc; ban hành 27 kết luận thanh tra. Phát hiện vi phạm số tiền 13.664 tỷ đồng, 638 ha đất; kiến nghị thu hồi 1.216 tỷ đồng, 06 ha đất ; kiến nghị xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và xử lý khác 12.448 tỷ đồng, 632 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 28 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 07 vụ việc.
- Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả này?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào: Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã bám sát Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch công tác để triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. Kết quả phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm qua hoạt động thanh tra được nâng lên, tỷ lệ kiến nghị thu hồi tiền qua hoạt động thanh tra tăng 104% so với năm 2013. Bên cạnh đó, công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định kết luận thanh tra, đôn đốc việc thực hiện xử lý sau thanh tra có nhiều tiến bộ, tỷ lệ thu hồi và xử lý đạt 69,5% so với 66,3% của năm 2013.
- Vậy qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện bao nhiêu vụ tham nhũng, thưa đồng chí?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào: Qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện các hành vi tham nhũng và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Năm 2014, cơ quan thanh tra đã phát hiện 63 vụ, 77 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 15,5 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 13,8 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 27 vụ, 25 đối tượng. Trong đó các địa phương phát hiện 46 vụ, 74 người gồm Bình Định, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận; các bộ, ngành phát hiện 17 vụ, 3 người.
Ngoài ra, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 30 vụ, 31 người. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước phát hiện 41 vụ, 72 người.
Kết quả đó cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai thực hiện thường xuyên và đạt được một số kết quả nhất định. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện, trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế. 
- Thưa đồng chí, trong thời gian tới, ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra Chính phủ nói riêng cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, cần quan tâm rà soát hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, nhất là việc hoàn thiện các quy định trong việc công khai minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và công tác cán bộ của các cấp, các ngành. Tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cần được đẩy mạnh, gắn với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp trong việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cơ quan báo chí đảm bảo tính chính xác, khách quan góp phần phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao: đầu tư xây dựng, đất đai, tín dụng, ngân hàng, thu ngân sách (thuế, hải quan), mua sắm công, thực hiện các chính sách xã hội… và công tác cán bộ. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đặc biệt, cần phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của người dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, với những biện pháp phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, hiệp hội, đặc biệt là vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông và mỗi cán bộ, đảng viên, công dân. 
- Năm 2015 Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra? Trong đó có bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thưa đồng chí?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào: Theo Chương trình, kế hoạch công tác của Thanh tra Chính phủ năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành một số cuộc thanh, kiểm tra trong công tác phòng chống buôn lậu; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý mua sắm tài sản; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản; sản xuất và nhập khẩu trang thiết bị y tế và công trình y tế; thực hiện cơ chế xã hội hóa trong khám và chữa bệnh; thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cho các chương trình mục tiêu; thực hiện chức năng nhiệm vụ trong công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hoá); hoạt động tín dụng, ngân hàng  (tái cơ cấu, xử lý nợ xấu…); một số dự án đầu tư xây dựng, Khu công nghiệp bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA, nguồn vốn ngân sách nhà nước; quản lý nhà nước trong công tác thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng. 
Trong đó sẽ có 02 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thái Nguyên; kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Phú Thọ, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng...
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thu Thắm (thực hiện)
;
.