Tỉnh ủy Hà Nam tổng kết công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2018

Thứ Ba, 25/12/2018, 13:48 [GMT+7]
    Tỉnh ủy Hà Nam vừa tổ chức tổng kết công tác nội chính (NC), cải cách tư pháp (CCTP) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. 
 
    Theo báo cáo tổng kết năm 2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác NC, CCTP và PCTN, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung lãnh đạo công tác NC, CCTP và PCTN, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đạt được kết quả tích cực.
 
    Cơ quan công an thụ lý điều tra 701 vụ/1.085 bị can, khởi tố mới 608 vụ/955 bị can, chuyển Viện kiểm sát truy tố 559 vụ/959 bị can; bắt, vận động đầu thú 41 đối tượng có lệnh truy nã. 
 
Đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận Hội nghị
Đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận Hội nghị
    Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết 876/951 tố giác, tin báo về tội phạm và vụ việc quả tang, đạt 92%. Thụ lý kiểm sát điều tra 687 vụ/1.070 bị can; cơ quan điều tra đã giải quyết 587 vụ/957 bị can đạt 85%; Toà đã giải quyết 579 vụ/988 bị cáo đạt 97%; 
 
    Toà án giải quyết xét xử sơ thẩm 563/597 vụ hình sự với 971/1038 bị cáo; phúc thẩm 108/109 vụ với 167/168 bị cáo.
 
    Ngành thi hành án dân sự đã thi hành xong 2.490 việc/ 2.738 việc có điều kiện thi hành, đạt 91%, tăng 450 việc; về tiền đã thi hành xong 67.725.714.000 đồng/158.017.829.000 đồng số có điều kiện thi hành, đạt 43%. 
 
    Tiếp 4.611 lượt công dân, tiếp nhận 2.232 đơn thư; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi 40,16 triệu đồng, trả lại cho công dân 21,3 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 06 người; bảo vệ và trả quyền lợi cho 13 người. 
 
    Toàn ngành Thanh tra của tỉnh đã triển khai 422 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành chính và chuyên ngành đối với 5.678 tổ chức, cá nhân; phát hiện 3.752 tổ chức, cá nhân có sai phạm; tổng sai phạm là 20.506,9 triệu đồng và 19.226,88 đô la Mỹ và 300.951 m2 đất. Đã kiến nghị xử lý: thu hồi 3.450,0 triệu đồng và 19.226,88 đô la Mỹ và 9.011 m2 đất; kiến nghị khác 4.233,8 triệu đồng và 291.940 m2 đất; xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực 2.452 trường hợp với số tiền xử phạt vi phạm là 12.823,1 triệu đồng, tổng số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước là 11.227,7 triệu đồng.
 
    Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát PCTN theo Chương trình, kế hoạch đề ra và các cuộc kiểm tra, giám sát phát sinh đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ chính trị địa phương. Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 01 cuộc kiểm tra, 02 cuộc giám sát, 01 cuộc rà soát về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. 
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp. Trọng tâm là việc quán triệt, triển khai các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", Kết luận 92-KL/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chương trình số 03-CTr/BCĐCCTPTW ngày 06-10-2016 của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. 
 
    Kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp như: Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 22-3-2018 về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc nâng cao chất lượng xét xử các vụ án”; Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 25-5-2018 về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh”; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; văn bản lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thi hành án dân sự, thi hành án hành chính giai đoạn 2018 – 2021; Công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện kiến nghị của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại Báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp tại tỉnh Hà Nam; sửa đổi, bổ sung Quy định 716-QĐ/TU về tăng cường lãnh đạo phối hợp giữa các cơ quan nội chính tỉnh và Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân tỉnh về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng... 
 
        Kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Sỹ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và biểu dương thành tích về công tác NC, CCTP và PCTN các cơ quan nội chính, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đạt được trong năm qua, đồng thời, nhấn mạnh số nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2019: 
 
    Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính, PCTN và CCTP; gắn với thực hiện việc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng; tiếp tục tổ chức thực hiện các bộ luật, luật và các văn bản hướng dẫn mới liên quan đến lĩnh vực tư pháp, triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và PCTN. 
 
    Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác nội chính, PCTN và CCTP nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ.
 
    Đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nhất là các vụ án thuộc diện Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường phối hợp trong giải quyết án hành chính, tranh chấp thương mại.   
 
    Thực hiện nghiêm các quy định về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, không để phát sinh phức tạp. 
 
    Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sau thanh tra trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn trọng điểm dễ xảy ra tiêu cực...
Lê Phú Mẫn
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Nam)
.