Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Bộ Tư pháp
Thứ Sáu, 22/08/2014, 09:54 [GMT+7]
Sáng 21-8, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương do đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về triển khai Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020.
Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương; Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban nội chính Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và lãnh đạo các ban, ngành Trung ương.
Quang cảnh buổi làm việc |
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã nêu tại các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về CCTP. Qua đó, đã đạt được một số kết quả tích cực như: giúp Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp 2013; hoàn thành tốt công tác xây dựng thể chế góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng như Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; việc xây dựng các dự án lớn do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối thống nhất, đồng bộ, phục vụ đắc lực cho công cuộc CCTP của các bộ, ngành; Bộ Tư pháp đã chủ động, mạnh dạn và kiên trì thực hiện chủ trương “xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp” theo Nghị quyết 49.
Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự với cơ chế điều hành thống nhất, tập trung, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; việc triển khai xây dựng trường ĐH Luật Hà Nội, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp trở thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp đang đi đúng hướng; công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp ngày càng được mở rộng và từng bước đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực cho hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, nâng cao vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Bộ Tư pháp trong công tác cải cách tư pháp với tư cách là người “gác cửa” về công tác pháp luật của Chính phủ. Đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Đó là, công tác tham mưu xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn hạn chế vì còn nhiều thay đổi, “tuổi thọ” nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, công tác trợ giúp pháp lý chưa cao. Bộ Tư pháp cần giúp Chính phủ chỉ đạo kiên quyết hơn nữa trong việc đôn đốc các Bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực để luật đi vào cuộc sống, hạn chế tình trạng Luật chờ nghị định, thông tư như thời gian vừa qua.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá cao những kết quả to lớn mà Bộ Tư pháp làm được trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong công tác CCTP và phát triển đất nước. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế cần sớm được khắc phục như: tình hình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập, đặc biệt là giám định tài chính, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình tố tụng và quá trình xét xử của Tòa án… Bộ Tư pháp cần quan tâm quán triệt, thực hiện Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện chiến lược CCTP đến năm 2020, tạo chuyển biến mạnh mẽ hoạt động của ngành, sớm hoàn thành các đề án về CCTP; nghiên cứu đế nhận thức, hiểu đúng về cơ quan quyền lực tư pháp, mô hình tố tụng tư pháp nước ta… Về kiểm soát quyền lực cơ quan tư pháp, cần thể chế hóa và ban hành luật ngay; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn tốt.
Đăng Linh
;