Cần 8.000 tỷ đồng cho việc tinh giản biên chế giai đoạn 2014 - 2020
Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến công luận. Theo đó, sau 6 năm (từ 2014-2020) thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người (khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc), tổng kinh phí thực hiện chính sách này dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng.
Theo dự thảo tờ trình Chính phủ, việc tinh giản biên chế theo Nghị định 132 đã hết hiệu lực từ năm 2012 và các quy định pháp luật trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Thực tế, tinh giản biên chế phải đạt mục tiêu giảm gánh nặng cho ngân sách, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hành chính công. Trong ba năm (2010 - 2012), số cán bộ công chức nghỉ theo chế độ chính sách là 28.132 người, nhưng số người được tuyển mới là 69.851 người, tăng 41.719 người khiến số lượng công chức không giảm mà còn tăng lên 20%.
Việc tinh giản biên chế cần nguồn kinh phí khoảng 8.000 tỷ đồng (từ 2014-2020) |
Theo dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật (cán bộ, công chức, viên chức) trong biên chế công chức hoặc số lượng người làm việc được cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền giao, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp: (1) Dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự. (2) Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn. (3) Những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm, nhưng không thể bố trí việc làm khác. (4) Những người có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. (5) Người có 2 năm liên tiếp gần đây, mỗi năm có tổng số từ 30 ngày nghỉ làm việc trở lên do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất 5 trường hợp tinh giản biên chế khác bao gồm: (1) Cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, không thể bố trí được công tác khác. (2) Viên chức, lao động hợp đồng dài hạn theo quy định của pháp luật thuộc diện dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự. (3) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban kiểm soát của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh nhưng không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp, nông, lâm trường quốc doanh đó hoặc ở khu vực Nhà nước. (4) Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới. (5) Người được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển sang giữ các chức danh chủ chốt; được tuyển dụng hoặc điều động thuộc biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù, nay thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.
Lương Thủy