Người thi hành công vụ gây thiệt hại phải bồi hoàn

Thứ Hai, 10/02/2014, 15:22 [GMT+7]

Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch (số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC) hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.
Thông tư liên tịch này được áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, cơ quan quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường, cơ quan có liên quan trong việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả, người có trách nhiệm hoàn trả và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Người có trách nhiệm hoàn trả là người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cơ quan có liên quan trong việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ trong trường hợp người thi hành công vụ đó liên đới cùng gây ra thiệt hại nhưng không phải là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra Quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật TNBTCNN và Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả xác định lỗi của người thi hành công vụ trên cơ sở nội dung văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN.
Trong trường hợp các văn bản quy định tại khoản 1 Điều này chưa xác định lỗi của người thi hành công vụ thì Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp và các tình tiết của vụ việc để xác định lỗi của người có trách nhiệm hoàn trả.

Việc xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 16 và Điều 18 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP. Mức hoàn trả của người thi hành công vụ được xác định tối đa không vượt quá số tiền thực tế mà Nhà nước đã chi trả cho người bị thiệt hại.
Mức hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại được xác định như sau: Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là dưới ba mươi triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định là tối đa không quá một tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là một tháng lương và tối đa không quá hai tháng lương. Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là trên một trăm triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là một tháng lương và tối đa không quá ba tháng lương.
Mức hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định như sau: Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là dưới một trăm triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là ba tháng lương và tối đa không quá mười hai tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là từ một trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là mười hai tháng lương và tối đa không quá hai mươi bốn tháng lương. Trường hợp số tiền bồi thường thực tế đã chi trả là trên năm trăm triệu đồng thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là hai mươi bốn tháng lương và tối đa không quá ba mươi sáu tháng lương.
Trường hợp để xác định việc hoàn trả được thực hiện một lần hoặc nhiều lần, Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả căn cứ vào điều kiện kinh tế, thu nhập thực tế, số lượng đối tượng thuộc phạm vi giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân của người có trách nhiệm hoàn trả đã gây ra thiệt hại để xem xét, quyết định phương thức hoàn trả.
Bộ Tư pháp được giao theo dõi hoạt động xem xét trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án trên phạm vi cả nước.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08-03-2014.

P.V
 

;
.