Hội thảo Báo chí với hoạt động cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân

Thứ Năm, 12/12/2013, 10:24 [GMT+7]

Ngày 11-12, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Báo chí với hoạt động cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân".
Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân; đại diện các cơ quan báo chí và các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các đồng chí: Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta, đã và đang được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả ở hầu hết các cấp, các ngành, góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong quá trình cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, báo chí đã chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền; đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy dân chủ; kịp thời phát hiện và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp nói chung, cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng. Phản ánh của báo chí thời gian qua là hình thức truyền thông quan trọng giúp Viện kiểm sát nhân dân các cấp có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, tạo được niềm tin của Đảng, nhà nước và nhân dân đối với ngành Kiểm sát nhân dân.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các cơ quan báo chí với Viện kiểm sát nhân dân các cấp còn một số hạn chế như: Việc cung cấp thông tin của các Viện kiểm sát, các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân địa phương chưa nhiều; một số báo chí đưa tin chưa chuẩn xác về một vụ việc cụ thể... Để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền giữa ngành Kiểm sát nhân dân với các cơ quan báo chí về cải cách tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội nhà báo Việt Nam trong việc định hướng dư luận đối với các vấn đề nổi cộm, nhạy cảm; tăng cường hơn nữa việc tổ chức các cuộc họp báo; Viện kiểm sát nhân dân các cấp chủ động, tạo mọi điều kiện trong việc cung cấp thông tin; đảm bảo thời hạn trả lời khi nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc qua báo, đài theo Luật báo chí.
Đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị các cơ quan báo chí: Cần tham khảo ý kiến các đơn vị thụ lý giải quyết vụ án khi đưa tin về kết quả điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm; dành nhiều thời lượng hơn cho việc thông tin những thành tích, kết quả công tác, điển hình tiên tiến trong ngành Kiểm sát nhân dân nhằm biểu dương kịp thời nhân tố mới.
Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo cũng đã tập trung làm rõ vai trò, quan hệ phối hợp của báo chí với hoạt động kiểm sát và tác động trở lại hoạt động của viện kiểm sát các cấp đối với báo chí trong cải cách tư pháp; những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn của báo chí phản ánh lĩnh vực cải cách tư pháp và hoạt động của ngành kiểm sát, tập trung vào tính khách quan, chân thực, chuyên nghiệp trong việc khai thác và xử lý thông tin liên quan; những sai phạm thường gặp trong tác nghiệp báo chí... Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị với Hội nhà báo Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với ngành Kiểm sát nhân dân.                                         

Bùi Thu Huyền
                                          (Ban Nội chính Trung ương)

;
.