Đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng

Thứ Tư, 04/12/2013, 10:13 [GMT+7]

Ngày 3-12, Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị “Đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng”.
Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước có hiệu lực ngày 1-1-2010. Theo đó, Tố tụng là 1 trong 3 lĩnh vực hoạt động của Nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó bao gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Theo quy định của Luật, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng chủ yếu áp dụng đối với các ngành: Tòa án nhân dân, Kiểm sát nhân dân và Công an nhân dân.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Theo Báo cáo tại Hội nghị, sau 3 năm triển khai Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (2010- 2013), các cơ quan tố tụng đã thụ lý 100 vụ việc, trong đó đã giải quyết 86 vụ việc với tổng số tiền bồi thường hơn 8,3 tỷ đồng. Năm 2013, số vụ việc mà các cơ quan tố tụng đã thụ lý là 42 vụ việc, đã giải quyết 11 vụ việc với số tiền 1,89 tỷ đồng. Nhìn chung, trong các hoạt động tố tụng, những yêu cầu bồi thường chủ yếu phát sinh ở lĩnh vực tố tụng hình sự; số lượng vụ việc yêu cầu xử lý, bồi thường có chiều hướng gia tăng trong năm 2013.
Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội nghị tập trung vào nội dung yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường cụ thể trong ngành Tòa án nhân dân, Kiểm sát nhân dân; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị để khắc phục các bất cập hiện hành và hoàn thiện pháp luật liên quan đến lĩnh vực bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng.
Hội nghị cũng tập trung đánh giá những sai phạm, sai sót chủ yếu dẫn tới phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước; đánh giá thực chất tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường; dự báo tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong bối cảnh ngành Tòa án đang tiến hành rà soát lại tất cả các bản án hình sự có kiến nghị, có đơn kêu oan, có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có ý kiến của các đoàn thể, cơ quan báo chí, của các đại biểu Quốc hội… Nhiều ý kiến đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường trong hoạt động tố tụng trong thời gian tới.                                    

Lương Thủy

;
.