Tổng kết thi hành Luật ban hành pháp luật năm 2008 và năm 2004

Thứ Hai, 02/12/2013, 11:01 [GMT+7]

Sáng ngày 30-11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 20 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Hội nghị đã đánh giá những kết quả và hạn chế của 2 đạo luật sau một thời gian thi hành, tạo cơ sở thực tiễn cho việc nghiên xây dựng Luật mới trên cơ sở sửa đổi bổ sung và hợp nhất 2 luật.
Kết quả tổng kết thi hành 2 luật được tiến hành nghiêm túc trong phạm vi cả nước, nội dung tổng kết phù hợp với định hướng Đại hội Đảng lần thứ XI và các nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, về cải cách Tư pháp đồng thời gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Dựa trên tổng kết 2 luật, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành đã ban hành các thông tư hướng dẫn quy trình để thực hiện 2 luật, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, nghành triển khai trong phạm vi quản lý, một số Bộ cũng ban hành chỉ thị nhằm chấn chỉnh công tác xây dựng pháp luật khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành.
Sau 5 năm thực hiện thi hành Luật năm 2008 và 9 năm thi hành Luật 2004, Nhà nước đã ban hành được một số lượng lớn văn bản quản lý pháp luật, điều chỉnh tương đối đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực đời sống. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật tính từ năm 2009-2013 do cơ quan Trung ương ban hành là 5.206 trong đó 62 Luật và 07 Nghị quyết Quốc hội, 14 Pháp lệnh và 06 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều văn bản được thông qua nhanh hơn so với trước đây.
Về chất lượng lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao, nội dung văn bản cơ bản bảo đảm hợp hiến, bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, đa phần văn bản bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Kết quả thi hành 2 luật đã đạt được những thành tựu khá rõ nét, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành ngày càng quan tâm hơn về tổ chức biên chế, bổ sung kiện toàn nhân sự cho công tác này, triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đến hết năm 2012 các Bộ, cơ quan ngang Bộ đều đã thành lập tổ chức pháp chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế ở Trung ương là 500 người phần lớn có chuyên môn Luật, ở Văn phòng Quốc hội số lượng cán bộ tham gia xây dựng pháp luật là 290 người trong đó có 12 tiến sỹ, 130 thạc sỹ.
Tại Bộ Tư pháp số lượng cán bộ làm công tác xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp thuộc 04 đơn vị xây dựng pháp luật là 111 cán bộ, về trình độ chuyên môn có tới 46%  là tiến sỹ, thạc sỹ cùng với 50% là cử nhân Luật.
Riêng ở địa phương trong thời gian gần đây việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Luật ngày càng được nâng cao trình độ và chuyên môn, đổi mới theo hướng chuyên nghiệp bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế được các Đại biểu đưa ra như đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật còn thiếu so với nhu cầu, nhiều cán bộ, công chức còn phải kiêm nhiệm những công việc khác, nhiều tỉnh chưa thành lập được phòng pháp chế theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Tính thống nhất, đồng bộ cân đối của hệ thống pháp luật tuy được cải thiện nhưng chưa cao vẫn còn sự chênh lệch lớn trong các lĩnh vực khác nhau, tính minh bạch của hệ thống còn hạn chế, tính khả thi của hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, còn có sự cắt khúc, thiếu tính liên kết hữu cơ giữa việc ban hành và thi hành pháp luật.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cũng như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004, đã có những quy định cụ thể nhằm phát huy dân chủ trong quá trình xây dựng, ban hành, là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động lập pháp ở nước ta, sự ra đời của 2 đạo luật này góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành ở Trung ương và địa phương, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật từng bước có tính đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch.
Việc tổ chức và thực hiện, xây dựng ban hành văn bản quản lý pháp luật được chuẩn hóa một bước, tất cả các quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật do 2 luật quy định được tuân thủ tương đối nghiêm túc.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là 2 đạo luật quan trọng, đã góp phần tăng cường số lượng và bảo đảm chất lượng của hệ thống pháp luật nước ta những năm vừa qua, đặc biệt Hội nghị được tiến hành chỉ sau 2 ngày Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, vì vậy, Hội nghị này không chỉ là dịp nhìn lại thực tiễn thi hành 2 luật trong thời gian qua mà còn có ý nghĩa định hướng quan trọng trong việc hoàn thiện các công cụ, quy trình xây dựng và thi hành luật pháp theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, qua thực tiễn triển khai hai luật này, hệ thống pháp luật Việt Nam được hoàn thiện đáng kể, tăng về số lượng đảm bảo chất lượng phục vụ việc xây dụng nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp và đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thể chế hóa định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thực thi pháp luật. Sớm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp vừa được thông qua liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để ổn định chính trị, phát triển kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người.

Về kết quả kiểm tra , xử lý văn bản từ năm 2003 đến hết 3-2013 các Bộ, ngành địa phương đã tự kiểm tra được 3.664.703 văn bản, trong đó các Bộ, Ban, ngành đã tự kiểm tra được 10.674  văn bản, các địa phương kiểm tra được 3.654.029 văn bản.
Trên cơ sở các văn bản đã phát hiện trái pháp luật (30.115 văn bản), các Bộ, ngành địa phương đã xử lý xong 29.191 văn bản chiếm 97% tổng số văn bản đã phát hiện trái pháp luật (trong đó 4.351 văn bản sai về kỹ thuật trình bày văn bản đã được cơ quan rút kinh nghiệm, còn lại 24.840 được xử lý theo quy định của pháp luật), còn 888 văn bản trái pháp luật đã được đưa vào kế hoạch xử lý theo quy định và đang được cơ quan ban hành văn bản nghiên cứu, xử lý.

Đăng Linh

;
.