Kiểm toán Nhà nước: Cụ thể hóa văn bản của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 08/03/2021, 06:30 [GMT+7]
    Từ năm 2013-2020, qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, Luật phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước đã kịp thời ban hành các văn bản để triển khai thực hiện, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã làm chuyển biển mạnh mẽ về nhận thức của đảng viên, công chức về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tổ chức đảng trực thuộc nhận thức đầy đủ, sâu sắc về chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, các tổ chức đảng trong Đảng bộ không ngừng được nâng lên; công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng bộ và ngành Kiểm toán Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực.
 
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025
Hội nghị lần thứ IV, Ban Chấp hành Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025
    Trong các năm từ 2013-2020, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia góp ý nhiều dự án, dự thảo văn bản quan trọng, có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng như: Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…
 
    Cụ thể hóa Điều 118 Hiến pháp năm 2013 về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng, trình và được Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 (thay thế Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005). Năm 2019, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ giữa các luật, nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trình, được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; theo đó sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung như: Bổ sung giải thích cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; quyền truy cập dữ liệu từ phần mềm ứng dụng vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán; quy định để tránh chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán; bổ sung quyền khiếu nại cho cơ quan, cá nhân có liên quan; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước... 
 
    Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang tổ chức triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 để các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống (Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Quyết định ban hành quy định về khiếu nại và khởi kiện trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước...).
 
    Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện cụ thể hóa các quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước như: Quy chế sử dụng nguồn kinh phí được trích 5% trên số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị, Quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị máy móc, thiết bị văn phòng của Kiểm toán Nhà nước, Quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành và các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực; Với nhiều giải pháp đồng bộ và chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, trong những năm qua Kiểm toán Nhà nước chưa để xảy ra tình trạng tham nhũng trong quản lý tài chính công, tài sản công của Kiểm toán Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng được triển khai thực hiện hiệu quả (tiết kiệm kinh phí hành chính trung bình hàng năm khối cơ quan Kiểm toán Nhà nước - từ năm 2016 đến năm 2019 là trên 35 tỷ đồng mỗi năm, tiết kiệm thông qua hoạt động đấu thầu trên 02 tỷ đồng mỗi năm...).
                                                                                   Hồng Hà
.