Long An: Khảo sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2014

Thứ Bảy, 22/11/2014, 06:52 [GMT+7]

Để đánh giá chính xác đầy đủ, toàn diện kết quả việc triển khai, thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 25-3-2014 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã thành lập Đoàn khảo sát tại Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp một số địa phương, đơn vị trong tỉnh.

Kết quả khảo sát việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các cơ quan, đơn vị năm 2014 cho thấy, qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực củng cố, kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ tư pháp đủ mạnh, nhằm đáp ứng tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, xác định mô hình cơ quan điều tra trong ngành Công an hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đang phát huy hiệu quả; từ đó, hoạt động điều tra của ngành Công an được đảm bảo chất lượng, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan, sai người vô tội. Công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự và kiểm sát việc giam giữ, cải tạo đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Hoạt động xét xử có nhiều tiến bộ, chất lượng xét xử từng bước được nâng lên; trong đó, công tác xét xử bảo đảm tính khách quan, bình đẳng bằng việc thực hiện quyền tranh tụng tại phiên tòa, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình; chất lượng tranh tụng của luật sư tại phiên tòa tương đối tốt; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên có nhiều tiến bộ, bảo vệ quan điểm truy tố và đề nghị xử lý có căn cứ vững chắc. Công tác giám sát của hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội đối với các cơ quan tư pháp trong tỉnh ngày càng đi vào thực chất...

Đoàn công tác làm việc tại Công an tỉnh
Đoàn công tác làm việc tại Công an tỉnh

Tuy nhiên trong thực hiện nhiệm vụ, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: công tác giải quyết tin báo tội phạm vẫn còn tình trạng quá hạn mức cao so quy định; công tác điều tra, truy tố, xét xử tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn một số vụ án chưa chặt chẽ, dẫn đến có vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung, án dân sự sơ thẩm bị hủy, cải sửa còn chiếm tỷ lệ cao; lượng việc thi hành án dân sự còn tồn động nhiều và có xu hướng tăng. Đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp còn thiếu, chất lượng hạn chế, quá tải công việc; chế độ chính sách có mặt chưa hợp lý; tổ chức và hoạt động luật sư, giám định tư pháp có lúc chưa đáp ứng yêu cầu tố tụng và nhiệm vụ cải cách tư pháp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp đôi khi chưa kịp thời và chặt chẽ; nhận thức của một số ít cán bộ về công tác này chưa tốt, chưa xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, nên hiệu quả còn hạn chế. Một số quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn còn chung chung khó thực hiện, nhất là thủ tục thi hành án...

Thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 92-KL/TW; tiếp tục đổi mới công tác tổ chức cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đề cao trách nhiệm của cán bộ có chức danh tư pháp, trước hết là những cán bộ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên trực tiếp thụ lý và giải quyết các vụ án, vụ việc. Chú trọng việc quy hoạch cán bộ, đổi mới cơ chế đánh giá năng lực cán bộ các cơ quan tư pháp, rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Đoàn cũng đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và công tác cải cách tư pháp tại các cơ quan tư pháp hai cấp trong tỉnh. Tăng cường sự phối hợp trong công tác giải quyết các loại án, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chỉ đạo thường xuyên việc rà soát, tránh tình trạng bỏ sót, bỏ lọt tội phạm. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân qua đó phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng…

Nguyễn Thành Vững

(Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An)

;
.