Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp tỉnh Lai Châu họp Phiên thứ nhất

Thứ Tư, 05/11/2014, 13:03 [GMT+7]
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Lai Châu vừa họp phiên thứ nhất thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo Quy chế làm việc, nhiệm vụ trọng  tâm cải cách tư pháp từ nay đến cuối năm 2014; Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; nghe Ban Nội chính Tỉnh ủy báo cáo về nhu cầu, điều kiện thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã kết luận: 
Các thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ Quy chế làm việc và chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách tư pháp thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình thực hiện công tác cải cách tư pháp tại ngành, địa phương được phân công theo dõi, phụ trách; nghiên cứu, kịp thời đề xuất với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị. Cụ thể: nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm; xử lý kịp thời các tố giác, tin báo về tình hình tội phạm; thực hiện tốt công tác tạm giữ, tạm giam, đảm bảo an toàn, trật tự trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam, phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Thực hiện tốt công tác kiểm sát khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, kiểm sát việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiểm sát xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng. Tăng cường công tác kiểm sát thi hành án, giam giữ, cải tạo. Toà án nhân dân các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử các vụ án, thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; đẩy mạnh việc xét xử lưu động các vụ án tại những địa bàn nơi xảy ra tội phạm. Qua hoạt động xét xử kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, có biện pháp thi hành nhanh chóng, dứt điểm các vụ, việc có điều kiện thi hành án nhưng cố ý dây dưa kéo dài; phấn đấu giảm mạnh số lượng án còn tồn đọng.
Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp; tiếp tục thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ để tăng cường cán bộ cho cơ quan tư pháp cấp huyện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu đổi mới phương pháp tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng loại đối tượng. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là việc tuyên truyền quán triệt tới cán bộ, đảng viên, công chức các văn bản về cải cách tư pháp. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, các hoạt động tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp. 
Căn cứ thực tiễn về nhu cầu, điều kiện, tiêu chí thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại, giao Sở Tư pháp theo dõi, tham mưu cho Ban Chỉ đạo việc triển khai thực hiện thí điểm Chế định Thừa phát lại và nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan: Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh báo cáo thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành gửi Ban Chỉ đạo (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy); xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 01-10-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh nghiên cứu tham mưu xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan tư pháp.
Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham mưu xây dựng chương trình giám sát năm 2015, bổ sung nội dung tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp, trọng tâm là giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Tô Thị  Hằng
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Lai Châu)
;
.