Điện Biên: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

Thứ Tư, 11/06/2014, 10:21 [GMT+7]
Nhằm mục đích thống nhất nhận thức, tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và đảng viên, cán bộ, công chức trong việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 04-6-2014 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kế hoạch số 35-KH/CCTP, ngày 14-3-2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. 
Các đại biểu dự Hội nghị công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tỉnh Điện Biên
Các đại biểu dự Hội nghị công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tỉnh Điện Biên
Kế hoạch đã xác định các nhiệm vụ của công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đó là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác cải cách tư pháp; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp và của nhân dân đối với hoạt động và việc thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp. Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tăng cường các biện pháp bảo đảm tính độc lập của các cơ quan tố tụng, các cơ quan thi hành pháp luật và cán bộ có chức danh tư pháp. Từ thực tiễn nghiên cứu đề xuất phương án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân tương ứng cho phù hợp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm đặc biệt là tội phạm tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ để trục lợi; thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; giải quyết, xét xử các vụ án, thi hành án hình sự, dân sự; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp, đảm bảo đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, lọt tội phạm. Tạo điều kiện để luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia vào các giai đoạn tố tụng, phát huy vai trò, trách nhiệm của luật sư và các cơ quan bổ trợ tư pháp trong hoạt động tố tụng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy với các cơ quan tư pháp  trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp cấp tỉnh và cấp huyện theo quy định; rà soát, bổ sung quy hoạch, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo yêu cầu cải cách tư pháp; bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện, trụ sở làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ quan tư pháp cấp tỉnh và cấp huyện.Tăng cường phối hợp thực hiện các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng việc đổi mới hình thức và lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Trên cơ sở các nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã quán triệt Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị và kết quả 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, đồng bộ với triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013; triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp đến các đồng chí Tỉnh ủy viên, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan ở cấp tỉnh và huyện. Đồng thời chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh, các Ban cán sự đảng, Đảng đoàn tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung này tới các đồng chí cấp ủy viên, đảng viên, cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
                      Trường Giang
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Điện Biên)
;
.