Sự cần thiết phải ban hành Luật Tiếp cận thông tin

Thứ Ba, 14/04/2015, 17:32 [GMT+7]

(BNCTW) - Quyền tiếp cận thông tin là quyền con người và là quyền cơ bản của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin được tiếp tục khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển và Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.

Ở nước ta, quyền được thông tin của công dân đã được ghi nhận tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992: “Công dân… có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật” và tiếp tục được khẳng định, nâng tầm từ "quyền được thông tin" thành "quyền tiếp cận thông tin"  trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 25).

Ban soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin họp lần thứ nhất
Ban soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin họp lần thứ nhất

Cụ thể hóa Hiến pháp 1992, cùng với quá trình đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội, như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) năm 2012; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản; Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

 Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền được thông tin và pháp luật về quyền được thông tin ở nước ta hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, cụ thể như sau:

Một là, pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định về nguyên tắc thực hiện quyền và hạn chế quyền theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; thiếu các tiêu chí để xác định thông tin được tiếp cận và thông tin không được hoặc bị hạn chế tiếp cận, thiếu tiêu chí để phân loại thông tin phải được công bố công khai rộng rãi và thông tin được cung cấp theo yêu cầu riêng của cá nhân, tổ chức; trong nhiều lĩnh vực thiếu các quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện việc công bố công khai hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu; đặc biệt là thiếu cơ chế pháp lý để bảo vệ (giải quyết khiếu nại của công dân, xử lý các vi phạm pháp luật về quyền tiếp cận thông tin) và cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin (các điều kiện, nguồn lực của nhà nước để bảo đảm cung cấp thông tin).

Hai là, thực trạng quản lý, công khai và cung cấp thông tin tại các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện, nhất là việc tiếp cận các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (chẳng hạn như thông tin trong  lĩnh vực quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng...).

Phạm vi thông tin được công khai, hình thức công khai thông tin cũng như quy trình, thủ tục tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin theo yêu cầu ở các cơ quan nhà nước chưa được thực hiện thống nhất, còn phụ thuộc vào quyết định của từng cơ quan và thái độ phục vụ của công chức trực tiếp tiếp nhận yêu cầu. Việc tổ chức, quản lý thông tin chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công, tản mạn, thiếu tính chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế. Còn có một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền để trục lợi trong việc cung cấp thông tin, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội. Thông tin không được cung cấp một cách chính thức, kịp thời dẫn đến việc người dân dễ tiếp nhận những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh doanh của họ. Do thiếu thông tin nên sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước cũng như việc giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước đều bị hạn chế. Việc thiếu thông tin cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan nhà nước, đến năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức, là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất, thiếu bình đẳng, làm gia tăng sự tuỳ tiện, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức.

Ba là, theo các quy định của pháp luật quốc tế, quyền tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn, và các hạn chế tiếp cập thông tin cần phải được quy định trong luật để bảo đảm “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội” ( Khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; Khoản 2 Điều 13 Công ước về quyền trẻ em; ....). Hiến pháp 2013 cũng quy định nguyên tắc "các quyền con người, quyền công dân... được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật" và khẳng định những quyền này "chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14). Vì vậy, việc ban hành một đạo luật riêng về quyền tiếp cận thông tin để bảo vệ các quyền về tiếp cận thông tin của công dân; xác định rõ các điều kiện hạn chế quyền tiếp cận thông tin là phù hợp với quy định của công ước quốc tế và Hiến pháp 2013.

Với những lý do nêu trên, việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin là cần thiết nhằm khắc phục các bất cập về pháp luật và cơ chế thi hành pháp luật về tiếp cận thông tin hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý chung về ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; tạo điều kiện cho các cơ quan đại diện nhân dân (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp), các tổ chức chính trị - xã hội và người dân có đầy đủ thông tin để thực hiện tốt chức năng giám sát nhà nước, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Phương Thảo

;
.