Khó khăn, vướng mắc của giám định tư pháp trong một số vụ án tham nhũng nguyên nhân và giải pháp

Chủ Nhật, 22/02/2015, 01:41 [GMT+7]
Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, kết luận giám định là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết của vụ án, chứng minh tội phạm, người phạm tội, xác định giá trị thiệt hại cũng như các vấn đề khác liên quan đến việc giải quyết các vụ án nói chung và án tham nhũng nói riêng. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có những hạn chế, khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu tranh PCTN.
    
1. Khó khăn, vướng mắc
 
    - Việc trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu giám định
 
    Theo quy định của pháp luật tố tụng, trong trường hợp bắt buộc hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định như một biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ. Tùy thuộc vào tính chất, nội dung cần giám định mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu tổ chức, cá nhân nào có chuyên môn phù hợp để thực hiện giám định. Tuy nhiên, trên thực tế, Cơ quan điều tra thường chỉ tập trung trưng cầu các bộ, sở quản lý chuyên ngành, mà chưa hướng đến trưng cầu các tổ chức chuyên môn có năng lực phù hợp ở khu vực ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, việc cử người làm giám định của các bộ, ngành chuyên môn được trưng cầu thường rất lâu, không kịp thời, có nhiều vụ việc kéo dài trong nhiều tháng(1), thậm chí kéo dài hàng năm, làm chậm việc giải quyết vụ án (điển hình vụ án Vũ Quốc Hảo lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính 2 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án(2)); có nhiều trường hợp bộ, ngành, cơ quan được trưng cầu lại cử người giám định không bảo đảm yêu cầu giám định, có trường hợp cơ quan, đơn vị được trưng cầu từ chối tiếp nhận trưng cầu giám định với lý do không có chức năng, nhiệm vụ giám định.
 
    - Thực hiện giám định
 
    Theo phản ánh của Cơ quan điều tra thì việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng... thường rất chậm, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Việc xác định thiệt hại về tài sản trong một số vụ án tham nhũng bắt buộc phải tiến hành trưng cầu giám định về tài chính kế toán, giám định kỹ thuật, giám định chất lượng công trình. Kết luận giám định trong những trường hợp này là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm và nhiều khi là nguồn chứng cứ duy nhất. Nội dung yêu cầu giám định trong các vụ án tham nhũng, nhất là về xây dựng cơ bản gồm nhiều vấn đề phức tạp, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau (tài chính, xây dựng, kỹ thuật chuyên ngành...), cần phải có sự điều phối, hợp tác của nhiều ngành khác nhau.
 
    Một số trường hợp, nội dung yêu cầu giám định là nghiệp vụ chuyên môn mới phát sinh, rất phức tạp, khối lượng công việc lớn, vượt quá khả năng của một nhóm cá nhân hoặc của một tổ chức làm giám định, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của bộ, ngành chuyên môn hoặc của cơ quan chủ quản. Chẳng hạn như vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái xảy ra tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(3) đã kéo dài 05 năm do không thực hiện được yêu cầu giám định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
 
    Nhiều vụ việc giám định xây dựng, cơ quan trưng cầu không tạm ứng kinh phí nên tổ chức được trưng cầu giám định còn gặp nhiều khó khăn trong việc thuê mướn nhân công, thuê và vận chuyển máy móc, thiết bị chuyên dụng đến nơi giám định, không bảo đảm yêu cầu về thời hạn giám định. Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa bảo đảm, một số kết luận giám định còn chung chung, mập mờ, không rõ ràng, không trả lời cụ thể câu hỏi mà cơ quan trưng cầu đặt ra mà nêu “chỉ có giá trị tham khảo...”, không khẳng định rõ đúng, sai, còn có dấu hiệu “né tránh”(4) khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Việc trưng cầu chuyên gia, tổ chức của bộ, sở chuyên quản thực hiện giám định đối với các vụ việc liên quan đến lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành đó(5) không thực sự bảo đảm tính khách quan của kết luận giám định. 
 
    - Đánh giá, sử dụng kết luận giám định
 
    Theo quy định của pháp luật tố tụng thì kết luận giám định chỉ là một nguồn chứng cứ được xem xét, đánh giá cùng với các chứng cứ khác để xác định sự thật trong quá trình giải quyết vụ án, thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Việc xem xét, đánh giá kết luận giám định phải căn cứ vào phương pháp giám định, phương tiện giám định, quy trình thực hiện giám định và khả năng chuyên môn, sự độc lập, khách quan của người làm giám định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn lúng túng và thiếu quyết đoán trong việc xem xét, đánh giá sử dụng kết luận giám định trong vụ việc có nhiều bản kết luận giám định khác nhau.
 
    Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong trường hợp có nhiều bản kết luận giám định khác nhau về cùng một vấn đề. Vì thế, việc giải quyết một số vụ án tham nhũng trọng điểm bị kéo dài như vụ án “Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ”, vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại khu Cảng Thị Vải”...
 
    - Quan điểm khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng về vấn đề có liên quan đến giám định tư pháp
 
    Trong quá trình giải quyết án tham nhũng, nhiều vụ án bị ách tắc không phải do bản thân hoạt động giám định tư pháp mà là do nhận thức, quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng về giải quyết vụ án, về sự cần thiết của việc trưng cầu giám định, có tình trạng “lấy kết quả giám định thay cho kết luận điều tra, coi kết quả giám định quan trọng hơn kết luận điều tra”(6). Ví dụ, vụ gian lận tài chính của Công ty Xăng dầu hàng không để rút tiền hỗ trợ của Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thấy rằng các chứng cứ đã đủ chứng minh hành vi phạm tội, người phạm tội, không cần thiết phải trưng cầu giám định. Nhưng Tòa án nhân dân tối cao lại cho rằng cần phải trưng cầu giám định giấy tờ khống thì mới xét xử, khiến cho vụ việc bị ách tắc và buộc phải đình chỉ. Đối với các vụ án tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản, Viện kiểm sát, Tòa án thường cho rằng, phải có quyết toán công trình thì kết luận giám định mới có giá trị pháp lý, trong khi đó các công trình xây dựng cơ bản trong án tham nhũng thì thường đã và đang thi công trong nhiều năm và không biết khi nào mới quyết toán công trình được, mà thời hạn điều tra thì có hạn. Vì thế, mặc dù nhiều công trình xây dựng đã có dấu hiệu rút ruột công trình, sai phạm rất rõ ràng, như: Lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt nhưng các cơ quan truy tố, xét xử vẫn cho rằng đó là khoản tiền tạm ứng, chưa quyết toán công trình thì chưa cấu thành tội phạm. Đây chính là nguyên nhân mà có rất ít các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được khởi tố, truy tố, xét xử trong thời gian vừa qua(7).
 
    2. Nguyên nhân
 
    - Nhận thức của lãnh đạo, cán bộ của nhiều bộ, ngành về vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành mình đối với công tác giám định tư pháp còn hạn chế, chưa đầy đủ. Do vậy, việc chỉ đạo triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều bộ, ngành chưa được quan tâm, còn hình thức, chưa hiệu quả.
 
    - Việc lựa chọn, lập và công bố danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc của các bộ, ngành và địa phương chưa xuất phát và gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của hoạt động tố tụng, nên chưa thực sự bảo đảm chất lượng; trình tự, thủ tục cử người làm giám định ở một số bộ, ngành còn rườm rà, nhiều bất cập, chưa kịp thời, chưa bảo đảm yêu cầu giám định.
 
    - Thiếu quy trình, quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, đất đai...; trong lĩnh vực tài chính mặc dù đã có hướng dẫn của Bộ Tài chính nhưng còn thiếu quy định mang tính nguyên tắc về quy trình giám định nên người làm giám định còn lúng túng, khó khăn, việc thực hiện giám định còn thiếu thống nhất.
 
    - Chưa có cơ chế điều phối, thực hiện giám định của người, tổ chức giám định theo vụ việc thuộc các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn khi được cử, chỉ định làm giám định, nhất là vụ việc có nhiều người giám định ở các chuyên ngành, lĩnh vực giám định thuộc các bộ, ngành, cơ quan khác nhau(8) nên còn nhiều lúng túng, khó khăn trong điều phối, tổ chức thực hiện giám định, nhất là việc giám định có nội dung nghiệp vụ mới phát sinh, phức tạp, khối lượng công việc lớn vượt quá khả năng của một nhóm cá nhân hoặc của một tổ chức làm giám định(9).
 
    - Điều kiện hoạt động giám định (về thời gian, phương tiện) của các cá nhân, tổ chức chuyên môn, hoạt động giám định kiêm nhiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai... chưa thực sự được bảo đảm; 
 
    - Thiếu quy định, hướng dẫn về chi phí giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng(10)... nên thiếu cơ sở pháp lý cụ thể cho việc tính, thu, chi trả chi phí giám định trong các lĩnh vực này thiếu hướng dẫn về lập dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán chi trả chi phí giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng nên còn nhiều bất cập, vướng mắc.
 
    - Nguồn kinh phí chi trả giám định tư pháp của các cơ quan điều tra chưa tách thành một mục chi ngân sách riêng và chưa được dự toán cấp phát đầy đủ, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Vì thế, các cơ quan điều tra không có đủ khả năng tài chính để trưng cầu các cá nhân, tổ chức chuyên môn có năng lực thuộc khu vực ngoài nhà nước làm giám định, cũng như chưa chi trả đầy đủ, kịp thời chi phí giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định.
 
    - Nhiều cán bộ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán còn thiếu kiến thức cần thiết về giám định tư pháp, thiếu sự chủ động, quyết đoán, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định.
 
    - Thiếu quy định cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định để bảo đảm việc trưng cầu giám định được đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của vụ việc cần giải quyết(11).
 
    - Thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các bộ, ngành chủ quản về nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng để làm cơ sở cho việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, con người làm giám định tư pháp ở các lĩnh vực, phục vụ cho hoạt động tố tụng nói chung, giải quyết án tham nhũng nói riêng. Thiếu cơ chế thông tin, phối hợp trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến giám định tư pháp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, Ban Nội chính Trung ương... với các cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp (Bộ Tư pháp, các bộ, ngành chủ quản).
    - Thiếu cơ chế kiểm tra, xác định và làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và cả các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn được trưng cầu giám định) trong quá trình trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu, tổ chức thực hiện giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong quá trình giải quyết các vụ án nói chung, các vụ việc về tham nhũng nói riêng.
 
    - Chế độ, chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân người làm giám định tư pháp còn chưa tương xứng với đặc thù công việc giám định(12); thiếu quy định, hướng dẫn về thù lao giám định, làm cơ sở cho việc chi trả tiền công giám định cho người làm giám định là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; việc các cơ quan trưng cầu không chi trả(13), chi trả không kịp thời, không đầy đủ chế độ bồi dưỡng(14), chi phí giám định(15) đã khiến cho quyền lợi của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định không bảo đảm nên các tổ chức, cá nhân này không muốn làm giám định tư pháp.
 
    3. Một số đề xuất, kiến nghị
    Nhận thức
    - Đề nghị các bộ, ngành chủ quản (Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường...), Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định về giám định tư pháp để cán bộ có thẩm quyền nhận thức đầy đủ, thông suốt về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giúp lãnh đạo bộ, ngành thực hiện đầy đủ, có chất lượng các nhiệm vụ về giám định tư pháp để bảo đảm hoạt động giám định tư pháp ở các lĩnh vực đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng nói chung, giải quyết án tham nhũng nói riêng.
 
    - Các bộ, ngành chủ quản, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên rà soát, đánh giá, báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 258 ở cấp Trung ương về việc thực hiện nhiệm vụ
quản lý nhà nước, trách nhiệm của bộ, ngành mình đối với công tác giám định tư pháp, nhất là tình hình giải quyết các vướng mắc, khó khăn (theo hằng quý).
 
    - Tổ chức họp giao ban liên ngành định kỳ theo quý về giám định tư pháp. Tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định; đánh giá, sử dụng kết luận giám định
 
    - Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, tiến hành thống kê, đánh giá nhu cầu, chất lượng hoạt động giám định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của từng quý, năm và dự báo nhu cầu giám định thời gian tiếp theo trên toàn quốc để làm cơ sở cho việc hoạch định, phát triển tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng; tăng cường thông tin, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Liên ngành tố tụng ở cấp Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn về căn cứ, cách thức trưng cầu các tổ chức, cá nhân có năng lực làm giám định, bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động giám định.
 
    - Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường... rà soát, củng cố đội ngũ và tổ chức thực hiện giám định tư pháp; đổi mới cách thức lập danh sách người giám định tư pháp, bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành mình trên cơ sở nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng và PCTN; cải cách thủ tục hành chính trong việc cử người làm giám định để bảo đảm việc cử người làm giám định kịp thời, phù hợp và đáp ứng tốt yêu cầu giám định, khắc phục tình trạng rườm rà, nhiều tầng nấc, mất nhiều thời gian, quá thời hạn giám định. Chỉ đạo, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp(16) ở các lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng...; xác định cơ quan đầu mối chủ trì điều phối hoạt động giám định tư pháp; nghiên cứu, xác định nhu cầu giám định trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, đất đai để có thể thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập ở các lĩnh vực trên trong trường hợp cần thiết.
 
    - Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường... khẩn trương xây dựng và ban hành quy chuẩn giám định tư pháp hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn ở các lĩnh vực cho hoạt động giám định tư pháp, trong đó xác định rõ quy trình, phương pháp, phương tiện giám định và đặc biệt là thời gian giám định đối với từng loại việc giám định ở các lĩnh vực giám định. Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể về quy trình, nghiệp vụ giám định tài chính để khắc phục tình trạng lúng túng, thiếu thống nhất trong quá trình áp dụng quy chuẩn chuyên môn, thực hiện giám định cho đội ngũ người giám định và để có cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá kết luận giám định về tài chính. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước quan tâm, nghiên cứu, hướng dẫn về nghiệp vụ giám định trong một số loại việc giám định có nội dung nghiệp vụ mới, cần phải có ý kiến, quan điểm chính thống của ngành.
 
    - Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn về chi phí giám định tư pháp ở các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng...; trình tự, thủ tục lập dự toán và cấp phát, thanh quyết toán kinh phí, giám định tư pháp. 
 
    - Cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương chỉ đạo rà soát, thống kê và có phương án cấp bổ sung kinh phí để thanh quyết toán, chi trả cho hết số nợ chi phí giám định kéo dài nhiều năm nay; lập mục chi ngân sách riêng về kinh phí chi trả giám định tư pháp cho các cơ quan điều tra các cấp và lập quỹ ngân sách dự phòng trong trường hợp cần tạm ứng ngay đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám định tư pháp.
 
    - Liên ngành tố tụng hướng dẫn việc xem xét, đánh giá và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng để bảo đảm việc giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan có liên quan về giám định tư pháp.
 
    - Sớm ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan quản lý; giữa bộ, ngành quản lý chung (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp) với bộ, ngành chủ quản; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các tổ chức giám định tư pháp, trong đó xác định rõ nội dung, cách thức, cơ chế phối hợp cho phù hợp với tính chất đặc thù của giám định tư pháp.
 
    - Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, có cơ chế làm rõ trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các bộ, ngành có liên quan trong trưng cầu, thực hiện giám định cũng như đánh giá, sử dụng kết luận giám định, khắc phục và xử lý nghiêm minh tình trạng tiêu cực trong quá trình giải quyết các vụ án nói chung, phòng, chống tội phạm tham nhũng nói riêng.
 
    - Tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý, trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương về giám định tư pháp theo quy định của Đề án 258 và Luật giám định tư pháp.
(1) Theo phản ánh của giám định viên về thuế tại Hà Nội cho biết, vì do Bộ Tài chính bổ nhiệm giám định viên về thuế xuống đến các địa phương (cục, chi cục thuế) nên hầu hết Cơ quan điều tra đều trưng cầu Bộ Tài chính cử người; sau khi nhận quyết định trưng cầu giám định, Lãnh đạo Bộ Tài chính giao Vụ Tổ chức - Cán bộ đề xuất, tiếp theo Vụ Tổ chức - Cán bộ lại có công văn đề nghị Tổng Cục thuế đề xuất cử người, Tổng cục Thuế lại có công văn đề nghị Cục thuế của địa phương cử người, có trường hợp thì Cục thuế lại có công văn đề nghị Chi Cục thuế cấp quận, huyện cử người, sau đó có văn bản gửi trở lại các cấp nêu trên. Vì thế, mất rất nhiều thời gian và nhiều trường hợp khi giám định viên tiếp nhận Quyết định trưng cầu giám định thì đã hết
hoặc quá thời hạn giám định mà cơ quan trưng cầu đã nêu trong Quyết định này.
(2) Tham luận của Ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị triển khai thi hành Luật giám định tư pháp, tháng 9-2013.
(3) Đây là vụ mua bán ngoại tệ trên mạng, cần xác định, đánh giá đúng - sai các lệnh giao dịch ngoại tệ trên mạng, cần xác định xem lệnh nào là đúng, lệnh nào không đúng, lệnh nào thì tính lãi, lệnh nào không tính lãi trong số hàng trăm giao dịch một ngày. Nội dung yêu cầu giám định vụ việc này khá mới mẻ, phức tạp... vượt quá khả năng, thẩm quyền của cá nhân người giám định, cần có quan điểm chuyên môn nghiệp vụ của ngành.
(4) Vụ án Cao Minh Huệ và đồng bọn bán 700ha đất rừng cao su ở Bình Dương, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ kết luận là có sai phạm nhưng không trả lời về mức độ thiệt hại của việc sai phạm đó gây ra, khiến cho cơ quan tiến hành tố tụng phải tạm đình chỉ vụ án.
(5) Thực tế cho thấy, các khiếu kiện, tranh chấp về quyết định hành chính của ngành thuế, tài chính nhưng lại trưng cầu ngành thuế, tài chính làm giám định; theo quy định tại Điều 30 của Luật giám định tư pháp thì trong trường hợp có xung đột kết luận giám định về cùng một vấn đề thì việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội
đồng giám định mà do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền quản lý về lĩnh vực cần giám định thành lập. 
(6) Trích Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, kết luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN tại Hà Nội, ngày 05-5-2014.
(7) Tham luận của Ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị triển khai thi hành Luật giám định tư pháp, tháng 9-2013.
(8) Vụ án Cao Minh Huệ và đồng phạm bán 700ha đất rừng cao su ở Bình Dương.
(9) Vụ án Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái xảy ra tại Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kinh doanh vốn và ngoại tệ đã kéo dài 05 năm do không thực hiện được yêu cầu giám định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
(10) Nhiều bộ, ngành chủ quản chưa chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án thu phí giám định tư pháp để đề nghị Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền.
(11) Nhiệm vụ này đã được đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao chủ trì thực hiện tại điểm 5.3 Phần II của Kế hoạch thực hiện Đề án 258 (ban hành kèm theo Quyết định số 1358/QĐ-TTg ngày 03-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ) với thời hạn là năm 2011. Tuy nhiên, đến nay công việc này vẫn luôn được các cơ quan này báo cáo là đang nghiên cứu. 
(12) Theo quy định trước đây của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg thì một cán bộ có năng lực được cử làm giám định chỉ được nhận có 60.000 đồng/ngày làm giám định, nay theo quy định của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg với mức là 150.000 đồng/ngày, trong khi để làm được giám định thì đòi hỏi nghiệp vụ chuyên môn phải rất giỏi và tinh thông, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định, rồi còn có thể bị
triệu tập đến tòa để chất vấn, hỏi về việc làm giám định theo các cấp xét xử. Một ngày đi dự phiên tòa để trình bày kết luận và quá trình làm giám định được hưởng 40.000 đồng/ngày, còn chi phí đi lại, lưu trú thì có quy định nhưng hầu như không được thanh toán.
(13) Theo người giám định tư pháp của Bộ Tài chính cho biết thì họ chưa được nhận tiền bồi dưỡng giám định tư pháp trong nhiều năm nay.
(14) Theo báo cáo của Viện Pháp y quốc gia, đến nay vẫn còn hơn 10 tỷ đồng tiền bồi dưỡng giám định của một số tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh chưa được Cơ quan điều tra chi trả;
(15) Theo Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng Nhà nước, Bộ Xây dựng, đến nay vẫn còn tình trạng các cơ quan trưng cầu chậm trả, thậm chí là không chỉ trả chi phí giám định xây dựng khiến cho các tổ chức, đơn vị xây dựng không muốn làm giám định, tìm cách từ chối làm giám định.
(16) Ngày 20-9-2013, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 5152/QĐ cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp về tài chính, đây là Văn phòng giám định tư pháp đầu tiên và duy nhất trong cả nước cho đến hiện tại. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có quy định về phí giám định tư pháp hoặc hướng dẫn về cách tính chi phí giám định trong lĩnh vực tài chính, không có cơ sở pháp lý để tính, thu chi phí giám định, nên Cơ quan
điều tra chỉ chi trả theo mức tiền bồi dưỡng giám định tư pháp không phù hợp với loại hình hoạt động của Văn phòng, nên không đủ trang trải cho hoạt động của Văn phòng giám định này. Đây là khó khăn rất lớn có thể dẫn đến sự đình trệ hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn.

Nguyễn Thị Thụy
(Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp)

;
.